phẩm của T.Đôuenga Môxtôvich vì nhà văn đã dựng lại hết sức sống động,
hết sức thực từ ngôn ngữ, thói quen, phong tục, tập quán đến cảnh sinh hoạt
và bầu không khí của xã hội thượng lưu quý tộc những năm 20 - 30.
Do vô tình hay hữu ý, nhiều tác phẩm hiện thực phê phán thường sa vào
chủ nghĩa tự nhiên trong phản ánh hiện thực xã hội. Trong Đường công
danh của Nikôđem Đyzma T.Đôuenga Môxtôvich đã tránh được hạn chế
này. Tác giả đã không khai thác những yếu tố thấp hèn hoặc kích thích ở
những cảnh “gay cấn”, để một mặt duy trì mức độ chân xác của tính cách
nhân vật, mặt khác tạo được hứng thú thẩm mỹ lành mạnh. Tác phẩm sử
dụng nhiều yếu tố hư cấu nhưng rất thực, và tả được cái thực của xã hội,
bởi lẽ nhà văn đã chọn những không gian thích hợp để những yếu tố hư cấu
kia hiện ra trong những dáng vẻ thực của đời.
Cũng như nhiều tác phẩm hiện thực phê phán khác, Đường công danh
của Nikôđem Đyzma không tránh khỏi những nhược điểm khách quan do
thời đại cũng như những nhược điểm chủ quan do nhận thức của tác giả.
Mâu thuẫn xã hội mới được miêu tả ở tầng lớp trên, mâu thuẫn giai cấp mới
chỉ lướt qua. Tác giả tập trung mô tả và phê phán cái xấu xa, cái phản động,
nhưng chưa nêu được những phẩm chất tốt đẹp cũng tồn tại song song
trong xã hội ấy. Xã hội trong tiểu thuyết đang chao đảo, nhưng rồi sẽ đi đến
đâu, theo con đường nào… Thực ra, công bằng mà nói, đó cũng là những
nhược điểm khó tránh nếu đặt tác phẩm và người viết trong hoàn cảnh lịch
sử cụ thể của mình.
Bằng những giá trị nghệ thuật lớn lao, tiểu thuyết hoạt kê của T.Đôuenga
Môxtôvich đã phản ứng khá mạnh mẽ chống lại một xã hội lố lăng, qua đó
gián tiếp bênh vực quyền tồn tại và phát triển của những con người lương
thiện, trung thực. Chính vì vậy, ngay sau khi ra đời, Đường công danh của
Nikôđem Đyzma liền được xem là một hiện tượng văn học đặc sắc ở Ba
Lan. Tác phẩm được in lại nhiều lần và cũng được đưa lên màn ảnh ở Ba
Lan, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài.