Nay đã thắng cuộc chiến rồi, các kẻ đồng lõa gian manh lại chia
của: Tu sĩ lo phần hồn, để phần xác lại cho y sĩ và phẫu thuật gia lo
liệu thân thể và bộ não bị chia rẽ đôi đường Bắc Nam như Triều Tiên
và Việt Nam (độ nào). Rồi tu sĩ được bãi nhiệm, bác sĩ tâm thần thay
thế. Dù vậy họ vẫn còn vướng trong nhị nguyên luận: Anh em Mayo
chăm lo thân xác còn trí não thì giao cho gia đình Menningers. Sở y
tế quốc gia bị tách khỏi viện nghiên cứu tâm thần.
Mùa hè 1973, tôi cùng một lương y gia truyền băng qua cánh
rừng già ở vùng hẻo lánh tận miền Tây Nam nước Pháp. Tôi tưởng
chừng như đang sống ngược thời gian; có lẽ vườn địa đàng xưa kia
cũng như thế này. Chúng tôi bước khẽ sợ chao động cảnh im lìm
muôn thuở. Ông ta quỳ xuống để hớp sương mai. Đi qua hằng chục
loại cây ông mới dừng lại, ung dung nhổ một gốc cây lên như mẹ
hiền nâng con thơ, áp vào mũi hít ngửi với một thái độ sùng mộ
đoạn kinh nhiệm mầu. Chúng tôi trở về mái chòi gỗ cổ kính, dược
thảo được phơi trên các giàn. Mỗi thứ được hái đúng thời điểm, tùy
tuần trăng sao, đúng mùa. Có loại thuốc nước uống trước bữa ăn, có
loại dùng bó rịt hay ngâm tay chân.
Có lần một bác sĩ ở làng kế cận đến nhờ trị giữa đêm khuya mờ
tịt nên được đón tiếp hết sức cẩn mật, cửa đóng then cài màn kéo
phủ. "Bố Già" phải tự pha thuốc với nước nóng cho bệnh nhân uống
trong trường hợp đặc biệt này. Và không khi nào trước mặt kẻ khác
mà Bố hỏi bệnh nhân đã ăn uống những gì để tránh làm bối rối họ.
Kiến thức khoa học của vị bác sĩ bị bệnh này không chữa cho ông ta
được, nên ông ta đành theo gót cha ông thuở xưa đến nhờ những
lương y cổ truyền, bị gọi là thấp kém và bị bọn quyền thế sỉ nhục, và
tổ tiên của "vị lang băm" này cũng đã hành "tà đạo", và cũng có thể
đã bị thiêu sống!
Một bác sĩ tâm thần thời nay, Thomas S. Szasz có nói gọn về cái
giá phải trả cho thứ đạo đức giả ấy. Dĩ nhiên có làm tổn thương