"Bộ bà định đi soi coi có phải thằng tình nhơn của bà lấy hột xoàn của bà
không hả? Bảo đảm, nếu là nó thì không tránh đâu được. Nhưng phải có
một đứa con nít dưới mười tuổi, mình người lớn nặng vía không nhìn
thấy..."
"Không cần soi. Tui chỉ cần giữ được thằng chả mà thôi..."
"Cũng được. Việc này ông thầy mát tay lắm. Nhưng xuống phải nói là
chồng, chớ như bà giựt chồng người ta ổng không chịu làm đâu à nghen."
"Nhớ rồi, bà nói đi nói lại hoài..."
"Thì phải ghi trong bụng, nhiều bà tui đã dặn đi dặn lại, tới nơi nói trớt
lớt hết làm ông thầy giận tui luôn biết hông . Thôi xong, mình đi..."
Hai người vẫy một chiếc xích lô quen bảo tới cầu Trương Minh Giảng.
Chú xích lô sữa lưng:
"Hết Trương Minh Giảng rồi, mà Nguyễn văn Trỗi nghe mấy bà...Lịch
sử sửa lại hết, mấy bà chịu khó thuộc bài một tí để giữ cái cần cổ..."
Biết, chú xích lô này trước là một nhà giáo đây mà, cứ nói câu nào ra là
cay, chua, mặn, chát, nghe nhức nhối. Ai dè, nhà giáo phong độ mà nay
phong trần quá xá, người gầy nhom, đen thui, y hệt mấy người kinh tế mới
về ốm đói. Tuyết chà thích chú đạp xích lô này lắm, nghèo mà lương thiện,
nghĩa khí. Tính cuốc xe tùy theo hoàn cảnh người cần, không bắt chẹt ai.
Mấy cái vụ đụng xe, đau ốm bất chợt cần đưa đi bịnh viện gấp, chú luôn
luôn tự nguyện làm công quả. Ngồi xe, chú nói được đủ chuyện mà chuyện
nào cũng hay, nghe lọt lỗ tai. Mà chú nói đúng lúc chớ không như mấy
"ông nội" đạp xích lô khác, cứ huyên thuyên cái miệng bảo "tốp" lại không
được. Lời nói đùa có duyên, không cười không được.
"Chú làm ơn cho cái "mui" lên để che cái cần cổ lại được hôn..."
"Được thôi, không tính thêm tiền cái "mui", "mui" tui rẻ mạt."
Cười nữa. Chú có duyên, miệng này mà giảng bài trong lớp, khối nữ sinh
thầm "nhớ nhung". Người có học, cảm thông hoàn cảnh con người, không
như mấy thứ mới được "làm người" vênh váo đáng ghét. Con đường Tự
Do, chú là một người đạp xích lô được giới chị em thương quí và thích
được chú đưa đi công việc. Sớm muộn gì cũng vui vẻ.