"Không đâu. Để rồi tính, cưng...Mình còn tiệm cà phê, mình không bỏ
cưng đâu..."
"Thề đi."
"Thề mà...ui cha, thề mà... có ông mặt trăng kia...ông trăng...làm
chứng...ui cha..."
Vệt trăng đã rời mặt gối, chém một lằn trên mặt bà chủ Ngọc Hoa.
Hôm nay ban nhạc quán Hương Lan chơi sớm. Mới ba giờ mà khách đã
chiếm gần hết những bàn sát ngoài, chỗ đắc địa để có thể nhìn ra đường.
Những món ăn như thịt bò lúc lắc, cua rang muối, ếch chiên bơ, thơm lừng
mùi tỏi, làm mồi đưa bia, và cũng làm nhóm ăn xin lấp ló ở bên ngoài, hoặc
tì mũi vô cửa kính nhìn chăm bẳm. Bảo vệ làm việc hăng lắm, thỉnh thoảng
cũng có đứa chạy vù vào, đổ vội vàng thức ăn thừa mứa vô cái lon rồi chạy
vù ra. Nhanh như vậy mà đôi khi còn bị xách cổ ném ra ngoài, cả người và
lon thức ăn đổ lai láng cùng lăn với nhau. Chỉ trừ một đứa ra vô đàng
hoàng là thằng Lai Phá. Cà chớn nhất đường này, ngoài Dũng đầu Bò ra thì
thằng Lai, còn nhỏ mà ra tay ác độc không thua gì sư phụ. Dũng đầu Bò
hay Dũng "một dao" cũng cần một đứa tiểu yêu lì lợm như thằng Lai phá.
Ban nhạc chỉ có hai người, một cô gái nhỏ nhắn, đầu tóc xù như con chó
bông, khá xinh kéo đàn violon và anh nhạc sĩ người thấp thấp, nổi tiếng
ngón đàn ngọt, ngồi khuất sau cây đàn piano. Họ như đàn tập với nhau,
không hề lý gì tới đám khách đang nhậu nhẹt ồn ào. Mỗi buổi, bài bản đã
được trình duyệt, nên bên đàn bên kéo như thoái quen, từ bản đầu cho tới
khi dứt. Lúc đầu, nhà hàng được giấy phép chơi nhạc thì những bản được
duyệt là nhạc Cách Mạng, như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Tiếng
Chày Trên Sóc Bam- Bo, Dáng Đứng Bến Tre v..v... Ban Giám đốc bắt hai
nhạc sĩ tập dượt đi tập dượt lại, mà đám khách, gồm có một số cán bộ mới
bắt đầu hủ hóa, vô đây đãi đằng, móc ngoặc chuyện làm ăn thì miễn có
tiếng nhạc là "quán sang rồi". Cán bộ "hủ hóa" ngày càng khấm khá, học
đòi thêm, nên Ban quản lý đã có "thủ tục đầu tiên" được với cấp trên, xin
cho ban nhạc chơi thêm mấy bản ngoại quốc, của Liên Xô và của Tây, nhạc