Mỹ thì cấm tuyệt đối...Nhưng cán bộ sở văn hóa dốt đặc, nên anh nhạc sĩ
thỉnh thoảng vẫn qua mặt như thường.
Kéo qua kéo lại cò cưa như kèn đám ma để so lại dây đàn, cô nhạc sĩ hỏi
anh nhạc sĩ:
"Bắt đầu được chưa?"
Anh nhạc sĩ gật đầu, dạo đàn trước rồi tiếng violon mới ăn khớp sau. Ở
bàn gần họ nhất có bốn anh mà hết ba anh quần ka ki, áo sơ mi trắng cánh
tay, có túi "dết" bên cạnh. Cả ba cùng khe khẽ đánh nhịp và hát theo bản
"Tiếng Chày Trên Sóc Băm-Bo". Bài chưa dứt, một anh giọng oang lên:
"Hay. Đàn thế mới là đàn chứ. Tiếp đi. Tiếp bản gì đó, bản gì mà Em đái
bên gốc dừa..."
Có vậy mà cười đến bắn cả thức ăn đang nhai ở trong mồm ra, rồi còn gõ
muỗng vào ly kêu lanh canh nữa. Cả bốn ông đều đã ngà ngà say, vỏ chai
bia bày gần kín mặt bàn.
"Hiện đại, hiện đại thật. Ở ngoài ta..."
"Cho chơi bài Hà nội Thủ đô ta đi...Hà nội..."
Chưa tới thời điểm được chơi nhạc theo yêu cầu mà, cho nên hai nhạc sĩ
cứ đàn theo thứ tự. Không đùa được đâu, trong đám bồi bàn bưng dọn kia,
đâu biết anh nào là cớm, anh nào là phục vụ viên...Thậm chí nhiều hôm
trong nửa tiếng nghỉ giải lao, khách thương, mời ly bia, anh chàng nhạc sĩ
cũng chỉ nốc vội vàng, nói mấy tiếng cám ơn, rồi trở vô cái bàn đặt trong
góc, ngồi ăn hột bí với cô nhạc sĩ. Thành phố Sàigòn gần như cháy thành
than sau mấy trận hỏa hoạn " năm quản" rồi "đánh tư sản mại bản". Đổi
tiền và tin sắp đổi tiền làm dân có chút vốn liếng để dành dập mật mất vía.
Cũng may, còn có mỗi con đường Tự Do cũ này, như cái nơ buộc vào sợi
dây xích chó. Nhà hàng ăn quốc doanh Hương Lan là cửa hàng đầu tiên có
nhạc sống.
"Chơi nhạc Tây đi. Nhạc Tây đi"
Vẫn ba anh cán hay la lối yêu cầu. Thêm đồ nhậu, thêm bia, có vẻ họ còn
ngồi dính cứng ở đây cho đến đêm. Nhưng vẫn chưa nhạc Tây, thường