chủ. Hitler không cần hành quyết nền dân chủ, hắn chỉ lợi dụng sự tan rã
của nó và nhận được, trong thời khắc quyết định, sự ủng hộ của những
người, dù ghê tởm hắn nhưng lại coi hắn là người duy nhất có đủ sức mạnh
vãn hồi trật tự ở trong nước.
* * *
Những người ủng hộ kế hoạch hóa cố gắng trấn an chúng ta đừng quá lo
lắng về con đường tiến triển như thế, họ bảo rằng khi dân chủ còn là lực
lượng chính trị thống lãnh thì không sức mạnh nào có thể lấn lướt được nó.
Karl Mannheim viết:
“Xã hội kế hoạch hóa chỉ khác xã hội thế kỉ XIX ở chỗ (sic!) duy nhất
này: càng ngày càng có nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và cuối cùng là
tất cả mọi lĩnh vực, toàn bộ cũng như riêng lẻ, đều nằm dưới sự quản lí của
nhà nước. Nhưng nếu quốc hội, bằng quyền lực tối cao của mình, có thể
kiềm chế và kiểm soát được sự can thiệp của chính phủ vào một số lĩnh vực
thì nó cũng sẽ làm được điều đó trong nhiều lĩnh vực khác… Trong nhà
nước dân chủ, quyền lực tối cao có thể được tăng cường một cách vô giới
hạn bằng cách ủy quyền mà vẫn không từ bỏ việc kiểm soát một cách dân
chủ
Ở đây người ta đã bỏ qua một sự khác biệt then chốt. Quốc hội chỉ có thể
kiểm soát được việc thực hiện nhiệm vụ khi nó đã xác định được hướng đi
cụ thể, khi nó đã tìm được sự đồng thuận về mục tiêu và chỉ giao [cho cơ
quan hành pháp - ND] thực thi những việc cụ thể mà thôi. Nhưng khi lí do
ủy quyền lại là sự thiếu đồng thuận về mục tiêu, khi cơ quan lập kế hoạch
phải tiến hành lựa chọn giữa các mục tiêu mà quốc hội chưa chắc đã biết và
khi điều duy nhất có thể làm là đệ trình một kế hoạch mà quốc hội chỉ có
thể hoặc sẽ chấp nhận hoặc sẽ bác bỏ hoàn toàn thì tình hình lại khác. Kế
hoạch như thế có thể sẽ bị phản đối, nhưng vì đa số không thỏa thuận được
một kế hoạch thay thế khác và vì những phần bị phản đối gay gắt nhất lại
có thể là những phần quan trọng nhất của bản kế hoạch tổng thể, cho nên sự
phản đối sẽ chẳng có giá trị gì. Thảo luận ở nghị trường sẽ được giữ như