một cái van an toàn và như một kênh để đưa ra những câu trả lời chính thức
cho các khiếu nại và chất vấn. Quốc hội có thể ngăn chặn một số vụ lạm
dụng trắng trợn và sửa chữa một vài sai sót cá biệt. Nhưng nó không thể cai
trị được nữa. Lúc đó cơ quan lập pháp chỉ còn mỗi nhiệm vụ là lựa chọn ra
những người sẽ có quyền lực gần như tuyệt đối mà thôi. Cả hệ thống sẽ tiến
đến hình thức độc tài dân cử, trong đó người đứng đầu chính phủ được bầu
lên bằng phổ thông đầu phiếu, nhưng hắn có toàn quyền buộc cuộc bầu cử
phải đi theo hướng mà hắn muốn để liên tục tái cử.
Chế độ dân chủ đòi hỏi rằng việc kiểm soát một cách có chủ ý phải được
giới hạn trong những lĩnh vực đã đạt được đồng thuận thật sự; trong những
lĩnh vực còn lại chúng ta đành phó mặc cho may rủi, và đấy chính là cái giá
của dân chủ. Nhưng trong xã hội được xây dựng và vận hành trên cơ sở kế
hoạch hóa tập trung, việc kiểm soát như thế sẽ không còn phụ thuộc vào
việc có tìm được đa số ủng hộ nữa hay không. Trong xã hội đó thiểu số sẽ
áp đặt ý chí của mình cho toàn thể nhân dân vì nhóm thiểu số này hóa ra lại
là nhóm có đông thành viên nhất có khả năng tìm được sự đồng thuận về
vấn đề đang tranh cãi. Các chính phủ dân chủ đã thực thi chức năng của
mình một cách thành công ở những nơi và chỉ những nơi mà hoạt động của
nó được giới hạn, dựa trên nền tảng quan điểm được nhiều người chấp
nhận, vào trong những lĩnh vực đời sống xã hội mà sự thỏa thuận của đa số
có thể đạt được trong quá trình thảo luận tự do. Thành tựu vĩ đại của thế
giới quan tự do là nó đã đưa một loạt vấn đề cần phải có giải pháp thống
nhất thành chỉ còn một vấn đề mà trong xã hội của các công dân tự do chắc
chắn có thể đạt được đồng thuận. Hiện nay chúng ta thường nghe nói rằng
dân chủ không đội trời chung với “chủ nghĩa tư bản”. Nếu “chủ nghĩa tư
bản” nghĩa là sự tồn tại của hệ thống cạnh tranh tự do, dựa trên sở hữu tư
nhân, thì phải hiểu rằng dân chủ chỉ có thể tồn tại trong hệ thống như thế
mà thôi. Nếu tư tưởng tập thể trở thành tư tưởng áp đảo thì chế độ dân chủ
sẽ cáo chung.
* * *