được trao bằng các thủ tục dân chủ thì nó không thể là độc đoán được; điều
khẳng định ngược lại cũng sai lầm không kém: không phải nguồn gốc của
quyền lực mà chính các hạn chế mới là biện pháp ngăn chặn độc đoán. Sự
kiểm soát mang tính dân chủ có thể cản trở quyền lực trở thành độc đoán,
nhưng bản thân sự tồn tại của dân chủ là chưa đủ. Nếu dân chủ giải quyết
các nhiệm vụ của mình bằng một quyền lực không bị giới hạn bởi các quy
tắc được xác định một cách vững chắc thì trước sau gì cũng thoái hóa thành
quyền lực độc đoán mà thôi.
Chú thích:
Sidney and Beatrice Webb, Industrial Democracy (Nền dân chủ trong
xã hội công nghiệp hoá), trang 800.
Laski H.J, Labour and the Conslitution (Lao động và hiến pháp). “The
New Statesman and Nation”, No 81 (New Series). Sp. 10th. 1932. P. 277.
Sau này giáo sư Laski còn phát triển các ý tưởng của mình một cách rõ
ràng hơn trong tác phẩm Democracy in Crisis (Nền dân chủ bị khủng
hoảng), 1933; niềm tin của ông rằng nền dân chủ nghị viện không được
phép trở thành vật cản trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội còn được
thể hiện trực tiếp hơn: chính phủ xã hội chủ nghĩa sẽ “nắm trong tay quyền
lực rộng lớn hơn và sẽ cai trị bằng sắc luật và nghị định, có giá trị như là
đạo luật”, cũng như sẽ “đình chỉ các thủ tục cổ điển, cho phép các hình
thức phản đối hoặc bài bác các hành động của chính phủ”, và ngay cả “sự
tồn tại của chính thể đại nghị sẽ phụ thuộc vào việc nó (tức chính phủ Công
đảng) có được Đảng Bảo thủ bảo đảm rằng kết quả công cuộc cải cách của
nó sẽ không bị xoá bỏ nếu thất cử”!
Nhân đây cũng nên xem xét một tài liệu của chính phủ có thảo luận
những vấn đề này trong mấy năm gần đây. Mười ba năm trước, tức là trước
khi nước Anh từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa tự do trong lĩnh vực kinh tế, quá
trình ủy nhiệm lập pháp đã đi xa đến nỗi người ta phải lập ra một ủy ban
nhằm tìm cho ra “những biện pháp bảo vệ cần thiết và nên làm nhằm bảo
đảm quyền lực tuyệt đối của pháp luật”. Báo cáo của ủy ban Donoughmore