VI. Kế hoạch hóa và pháp trị
Các nghiên cứu mới nhất về xã hội học pháp lí đã một lần nữa khẳng định rằng chỉ
trong giai đoạn tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản thì mới có thể áp dụng được
nguyên lý cơ bản của pháp lí hình thức - nguyên lý theo đó mỗi trường hợp phải được
phán xử theo các quy tắc duy lí phổ biến, tức các quy tắc càng ít ngoại lệ càng tốt và
cho phép chứng minh rằng trường hợp nào thì phải xử theo quy tắc cụ thể nào.
Karl Mannheim
Việc tuân thủ một trong những nguyên tắc vĩ đại nhất gọi là pháp trị là
điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa một đất nước tự do với một đất nước nằm
dưới quyền cai trị của một chính phủ độc đoán. Bỏ qua các chi tiết kĩ thuật,
điều này có nghĩa là mọi hoạt động của chính phủ đều phải tuân thủ các
quy tắc đã được ấn định và tuyên bố từ trước - các quy tắc này cho phép
người ta dự đoán được một cách chắc chắn cách thức chính phủ sử dụng
lực lượng cưỡng bức trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó và lập kế hoạch
cho các công việc của cá nhân trên cơ sở những hiểu biết như thế
. Và
mặc dù không thể thực hiện được hoàn toàn lí tưởng này vì các nhà lập
pháp và những người thừa hành pháp luật cũng là những con người có thể
sai lầm, nhưng điều cốt yếu đã được thể hiện một cách rõ ràng: phạm vi mà
cơ quan hành pháp có thể tự ý hành động phải được giảm thiểu đến mức tối
đa. Mọi luật lệ đều hạn chế ở một mức độ nào đó quyền tự do cá nhân do
nó tìm cách tước bớt các phương tiện mà dân chúng có thể sử dụng nhằm
đạt được các mục đích của mình, còn pháp trị ngăn không cho chính phủ
can thiệp một cách ad hoc
vào các hoạt động của cá nhân. Trong khuôn
khổ của luật chơi đã biết, cá nhân được tự do theo đuổi các mục tiêu và ước
mơ của mình, anh ta tin chắc rằng chính phủ sẽ không tuỳ tiện dùng quyền
lực nhằm ngăn chặn các nỗ lực của anh ta.
Như vậy, sự tương phản mà chúng ta đã chỉ ra trước đây giữa việc tạo ra
một khung luật pháp có giá trị lâu dài cho phép các cá nhân tự đưa ra các
quyết định và việc quản lí nền kinh tế bằng một cơ quan trung ương thực ra
là một trường hợp đặc biệt của một sự tương phản căn bản giữa chế độ