Pháp trị và chính phủ độc đoán. Trong trường hợp thứ nhất, chính phủ chỉ
làm một việc là đặt ra các điều luật quy định điều kiện sử dụng các nguồn
lực hiện có, còn mục đích sử dụng thì để cho các cá nhân tự quyết định.
Trong trường hợp thứ hai, chính phủ quản lí tất cả các lĩnh vực kinh tế từ
phương tiện sản xuất cho đến mục đích cuối cùng của sản xuất nữa. Trong
trường hợp thứ nhất, các quy tắc có thể được xác lập từ trước, dưới dạng
các quy định mang tính hình thức, không nhằm đáp ứng nhu cầu hay ước
muốn của những người cụ thể nào. Các quy tắc này chỉ là công cụ cho việc
theo đuổi các mục đích cá nhân khác nhau của người dân mà thôi. Đấy là
những quy tắc lâu dài hoặc phải lâu dài để có thể chắc chắn rằng một số
người không thể lợi dụng chúng để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn một số
người khác. Tốt nhất nên coi chúng là một loại công cụ sản xuất, giúp
người dân dự đoán hành vi của những người mà họ sẽ phải cộng tác, chứ
không phải là phương tiện nhằm thỏa mãn các nhu cầu đặc biệt nào đó.
Kế hoạch hóa kinh tế theo kiểu tập thể chủ nghĩa nhất định sẽ sinh ra một
cái gì đó hoàn toàn ngược lại. Cơ quan lập kế hoạch không thể bằng lòng
với việc cung cấp các cơ hội rồi để mặc cho những người xa lạ muốn sử
dụng thế nào cũng được. Cơ quan này không thể tự trói mình vào những
quy tắc chung, những quy tắc mang tính hình thức vốn dùng để ngăn cản
những hành động độc đoán. Bởi vì chính cơ quan này phải lo cho các nhu
cầu thực tế của người dân, mỗi khi nhu cầu xuất hiện, và sau đó cân nhắc
xem nhu cầu nào cần đáp ứng, nhu cầu nào không. Nó phải thường xuyên
giải quyết những vấn đề mà các quy tắc hình thức không thể trả lời nổi, và,
trong khi ra quyết định nó phải xác định nhu cầu nào và của ai là xứng đáng
được đáp ứng trước. Khi chính phủ phải quyết định cần nuôi bao nhiêu lợn
hay cần cho bao nhiêu xe bus chạy, mỏ than nào cần được khai thác, hoặc
đôi giày giá bao nhiêu, nó không thể tìm được các quyết định đó từ những
quy tắc hình thức và cũng không thể quyết định một lần là xong. Chắc chắn
các quyết định phải phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng thời điểm, và, trong
khi ra quyết định người ta phải cân nhắc quyền lợi của các cá nhân và các
nhóm khác nhau. Cuối cùng, một người nào đó sẽ phải quyết định lợi ích