tất cả, trong đó mỗi nhu cầu của từng người hoặc từng nhóm người đều có
vị trí xác định một cách rõ ràng.
Thực ra, kế hoạch hóa càng mở rộng thì người ta càng hay đưa những
điều như “công bằng” và “hợp lí” vào các văn bản pháp quy, nghĩa là việc
giải quyết sẽ càng ngày càng phụ thuộc vào ý kiến tuỳ tiện của quan tòa
hoặc một cơ quan quyền lực nào đó. Đã đến lúc chấp bút viết về lịch sử suy
tàn của tinh thần pháp trị và Rechtsstaat
, thể hiện bằng việc đưa những
công thức mơ hồ này vào các văn bản pháp quy và ngành tư pháp, sự gia
tăng của những hành động độc đoán, sự bấp bênh của tòa án và cơ quan lập
pháp, sự coi thường các cơ quan này vì trong hoàn cảnh đó các cơ quan này
không thể không trở thành công cụ chính trị. Vì thế cần phải nhắc lại một
lần nữa rằng quá trình suy thoái của tinh thần pháp trị đã diễn ra một cách
liên tục trong một thời gian dài trước khi Hitler nắm được chính quyền và
chính sách hướng đến kế hoạch hóa toàn trị đã tiến khá xa. Hitler chỉ hoàn
thành nốt công việc đó mà thôi.
Không nghi ngờ gì rằng kế hoạch hóa nhất định sẽ kéo theo việc phân
biệt đối xử có chủ ý đối với những nhu cầu khác nhau của những người
khác nhau, mặt khác, nó cho người này nhưng lại cấm người khác làm một
việc gì đó. Nó ghi hẳn vào luật người nào thì được làm gì, được có những
gì hay sung túc đến mức nào. Trên thực tế đấy chính là sự quay trở lại với
quy định về địa vị, nghĩa là bánh xe lịch sử bị quay giật lùi, khỏi “xu hướng
tiến bộ” như Sir Henry Maine đã nói: “Cho đến nay sự phát triển của các xã
hội tiên tiến vẫn luôn đi theo hướng chuyển từ ưu thế của địa vị sang ưu thế
của hợp đồng”. Hơn cả hợp đồng, tinh thần pháp trị có thể được coi là đối
trọng của quy định về địa vị. Pháp trị, theo nghĩa quy tắc luật hình thức, là
nhà cầm quyền không được tạo ra đặc quyền đặc lợi cho một số người nào
đó, là bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, là đối trọng
của một chính phủ độc tài.
* * *