VII. Kiểm soát kinh tế và chế độ toàn trị
Kiểm soát việc sản xuất của cải vật chất là kiểm soát chính đời sống của con người.
Hilaire Belloc
Đa số những người ủng hộ kế hoạch hóa đã từng nghiên cứu một cách
nghiêm túc các khía cạnh thực tiễn của vấn đề đều không nghi ngờ gì rằng
việc quản lí đời sống kinh tế chỉ có thể thực hiện được bằng một chế độ độc
tài, dù ít hay nhiều. Để có thể quản lí một hệ thống phức tạp những hành
động liên quan với nhau của rất nhiều người thì cần, một mặt, một nhóm
chuyên gia thường trực và mặt khác, một vị tống chỉ huy không bị gò bó
bởi bất kì thủ tục dân chủ nào. Đây là hậu quả tất yếu của tư tưởng kế
hoạch hóa tập trung và những người ủng hộ nó cũng hiểu như thế, chỉ có
điều họ an ủi chúng ta rằng việc này “chỉ” liên quan đến lĩnh vực kinh tế
mà thôi. Ông Stuart Chase, một trong những người ủng hộ kế hoạch hóa
nổi tiếng nhất, quả quyết rằng trong xã hội kế hoạch hóa “dân chủ chính trị
có thể tồn tại nếu như kế hoạch hóa chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế”.
Những lời bảo đảm như thế thường đi kèm với ám chỉ rằng bằng cách từ bỏ
tự do trong những lĩnh vực không quan trọng, chúng ta sẽ được tự do theo
đuổi những giá trị cao cả hơn. Trên cơ sở đó, những người vốn ghét cay
ghét đắng độc tài chính trị lại thường lên tiếng đòi hỏi độc tài trong lĩnh
vực kinh tế.
Các lí lẽ được sử dụng nhắm vào những tình cảm tốt đẹp nhất của chúng
ta thường khi lại lôi kéo được những bộ óc sáng láng nhất. Nếu kế hoạch
hóa thực sự làm cho chúng ta không còn phải bận tâm tới những lo lắng
vụn vặt, làm cho đời sống vật chất của chúng ta trở thành đơn giản nhưng
chúng ta lại có một đời sống tinh thần cao thì ai nỡ coi thường lí tưởng như
thế? Và trên thực tế, khi hoạt động kinh tế chỉ liên quan đến những khía
cạnh thấp kém của đời sống thì chúng ta sẵn sàng làm mọi cách để thoát
khỏi những lo lắng quá mức về vật chất, chúng ta sẵn sàng để cho một phần
của bộ máy công lợi làm công việc phục vụ cho các nhu cầu vật chất của