đó và theo cung cách nào đó. Đây là toàn bộ sự khác nhau giữa chế độ tự
do và chế độ toàn trị.
Sự khác nhau giữa hệ thống tự do và hệ thống kế hoạch hóa toàn triệt thể
hiện rõ ràng trong những lời phàn nàn của những người quốc xã và xã hội
chủ nghĩa về việc “chia tách một cách giả tạo giữa chính trị và kinh tế”
cũng như đòi hỏi “đặt chính trị lên trên kinh tế” của họ. Những câu này có
lẽ không chỉ có nghĩa là hiện nay các lực lượng kinh tế, trong khi theo đuổi
các mục đích của mình, được phép hành động không theo chỉ đạo của chính
phủ mà còn có nghĩa là các quyền lực kinh tế có thể được sử dụng một cách
độc lập với sự lãnh đạo của chính phủ, thậm chí theo đuổi các mục tiêu mà
chính phủ không tán thành. Nhưng thay thế cho phương án đó lại không
phải đơn thuần là một quyền lực duy nhất mà là một nhóm lãnh đạo chóp
bu có quyền kiểm soát tất cả các mục tiêu của con người cũng như có toàn
quyền quyết định địa vị của mỗi người trong xã hội.
* * *
Rõ ràng là khi chính phủ nắm quyền lãnh đạo kinh tế thì nó sẽ phải sử
dụng quyền lực để thực thi lí tưởng phân phối công bằng của một người
nào đó. Nhưng nó sẽ làm như thế nào? Nó sẽ tuân theo hoặc phải tuân theo
những nguyên tắc nào? Liệu có thể tìm được câu trả lời dứt khoát cho hàng
loạt câu hỏi chắc chắn sẽ xuất hiện về đóng góp tương đối của các cá nhân
và liệu những vấn đề đó có được giải quyết một cách có chủ đích hay
không? Liệu có một thang giá trị, chấp nhận được đối với những người có
hiểu biết, có thể biện hộ được cho cái trật tự thứ bậc của xã hội và đáp ứng
được kì vọng công bằng hay không?
Chỉ có một nguyên lý chung, một quy tắc đơn giản, cho phép đưa ra câu
trả lời thực sự xác định cho mọi câu hỏi: bình đẳng, bình đẳng hoàn toàn và
tuyệt đối giữa tất cả các cá nhân, trong tất cả mọi việc mà con người có thể
kiểm soát được. Nếu giả sử tất cả mọi người đều đồng ý tiến đến cái lí
tưởng đó (chúng ta sẽ không bàn ở đây vấn đề là có thể thực hiện được hay
không, thí dụ như có bảo đảm được sự động viên, khuyến khích hay