Vấn đề trừng phạt thói vô trách nhiệm trong lĩnh vực quản lí cũng không
kém phần nghiêm trọng. Như có người đã nhận xét rất đúng rằng nếu như
trong nền kinh tế cạnh tranh nhân viên thi hành án là cấp thực thi phán
quyết cuối cùng thì trong nền kinh tế kế hoạch hóa nấc thang trừng trị cuối
cùng nằm trong tay đao phủ
. Giám đốc các xí nghiệp được giao khá
nhiều quyền lực. Nhưng địa vị và thu nhập của anh ta, giống như địa vị và
thu nhập của người công nhân, không đơn thuần chỉ phụ thuộc vào thành
công hay thất bại của xí nghiệp dưới quyền anh ta. Và vì anh ta chẳng mất
cũng chẳng được gì cho nên không phải ý kiến cá nhân mà là các quy tắc
đã được xác định sẽ quyết định anh ta phải làm gì. Cho nên sai lầm mà anh
ta “phải tránh” không phải là cái thuộc phạm vi công việc quản lý của
mình, mà là những biểu hiện đi ngược lại xã hội, những thứ bị xã hội lên
án. Khi anh ta còn đi theo con đường an toàn “hoàn thành trung thực nhiệm
vụ của mình”, anh ta có thể yên tâm là thu nhập sẽ ổn định hơn chủ doanh
nghiệp tư nhân, nhưng khi anh ta đi lệch khỏi con đường đó thì hậu quả sẽ
khủng khiếp hơn việc phá sản. Khi cấp trên còn hài lòng, anh ta sẽ được
bảo đảm về mặt kinh tế, nhưng cái giá phải trả là tự do và sự an toàn của
chính cuộc sống của anh ta.
Như vậy là chúng ta đang đối mặt với mâu thuẫn căn bản giữa hai kiểu tổ
chức xã hội không đội trời chung, thường được mô tả, căn cứ vào những
biểu hiện đặc thù của chúng: kiểu thương mại và kiểu quân sự. Các thuật
ngữ này đáng tiếc là không hoàn toàn chính xác vì chúng hướng sự chú ý
vào những biểu hiện không phải là cốt yếu và che lấp sự thực là trước mắt
chúng ta chỉ có hai lựa chọn, không còn cách thứ ba. Hoặc là cá nhân có cả
hai, quyền lựa chọn và gánh chịu rủi ro đi kèm, hoặc mất cả hai thứ đó.
Quân đội đúng là một minh họa tốt cho kiểu tổ chức thứ hai, ở đây công
việc và người công nhân đều do cấp trên chỉ định, còn khi nguồn lực bị hạn
chế thì tất cả đều được một khẩu phần ít ỏi như nhau. Đây là hệ thống duy
nhất trong đó cá nhân được bảo đảm hoàn toàn về mặt kinh tế, chỉ cần mở
rộng hệ thống đó ra toàn xã hội là chúng ta sẽ làm được như thế cho tất cả