Dù sự xuyên tạc như thế có là chuyện khó tin đến đâu, chúng ta cũng
phải nhận thức rõ rằng đấy không phải là những lệch lạc vô tình, không có
liên quan gì với bản chất của hệ thống toàn trị. Không phải như thế. Chúng
là kết quả của chính cái mưu toan buộc tất cả phải quy phục “quan điểm
duy nhất về cái toàn thể”, của những nỗ lực nhằm giữ vững quan điểm bằng
mọi giá, bắt nhân dân phải liên tục hi sinh nhân danh các quan điểm đó và
nói chung tư tưởng cho rằng kiến thức và niềm tin của con người chỉ là
công cụ cho những mục tiêu đã được lựa chọn từ trước nhất định sẽ dẫn
đến những sự xuyên tạc kiểu như thế. Khi khoa học không còn phụng sự
chân lí mà là phụng sự quyền lợi giai cấp, xã hội hay nhà nước thì nhiệm
vụ của tranh luận và thảo luận chỉ cần là chứng minh và truyền bá những
quan điểm vốn là kim chỉ nam cho toàn bộ xã hội mà thôi. Như Bộ trưởng
Bộ Tư pháp quốc xã đã giải thích, tất cả mọi lí thuyết khoa học mới đều
phải tự hỏi: “Ta có phụng sự chủ nghĩa quốc xã vì lợi ích cao cả của toàn
dân hay không?”
Chính từ “chân lí” đã đánh mất ý nghĩa ban đầu của nó rồi. Nếu trước
đây từ này dùng để mô tả cái cần tìm, mà lương tâm cá nhân là người quyết
định duy nhất rằng bằng chứng hay cơ sở để đưa ra bằng chứng ấy có bảo
đảm độ tin cậy hay không thì nay chân lí là do người có quyền lực đặt ra, là
cái mà mọi người phải tin nhân danh sự thống nhất vì sự nghiệp chung và
chân lí có thể thay đổi một khi nhu cầu của sự nghiệp chung đòi hỏi
Điều đó đã tạo ra một bầu không khí trí tuệ đặc thù với thái độ vô liêm sỉ
đối với cái mà chính nó đã gây ra, thái độ coi thường chân lí, đánh mất tinh
thần tìm tòi độc lập và đánh mất niềm tin vào lí trí, biến tất cả các cuộc
tranh luận khoa học thành các vấn đề chính trị mà nhà chức trách chính là
người có tiếng nói cuối cùng - phải trải nghiệm thì mới hiểu được, đấy là
những điều không thể diễn tả nổi trên một vài trang giấy. Nhưng đáng ngại
nhất là thái độ coi thường tự do trí tuệ, không phải chỉ xuất hiện sau khi chế
độ toàn trị đã được thiết lập mà là thái độ của nhiều nhà trí thức, những
người ôm ấp tư tưởng tập thể chủ nghĩa cũng như những người tự coi mình
là đầu lĩnh trí tuệ ngay trong các nước có chế độ tự do. Nhưng người đang