trí của ông. Ngay trước khi chiến tranh kết thúc ông ta đã viết trên tờ “Die
Glocke” theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa như sau: “Đã đến lúc phải
công nhận rằng chủ nghĩa xã hội là bạo lực vì nó chính là tổ chức. Chủ
nghĩa xã hội phải giành lấy quyền lực chứ không phải là phá hoại nó một
cách mù quáng. Và trong khi dân chúng đang đánh nhau thì câu hỏi quan
trọng nhất, quyết định nhất đối với chủ nghĩa xã hội là: dân tộc nào thích sử
dụng quyền lực hơn cả thì đấy chính là người lãnh đạo mẫu mực cho các
dân tộc khác?”
Rồi ông ta đưa ra ý tưởng mà sau này sẽ trở thành cơ sở cho cái Trật tự
Mới của Hitler: “Từ quan điểm của chủ nghĩa xã hội, mà chủ nghĩa xã hội
là tổ chức, thì quyền tự quyết của các dân tộc chẳng phải là quyền gây ra sự
hỗn loạn trong nền kinh tế cá nhân chủ nghĩa hay sao? Chúng ta có muốn
bảo đảm cho cá nhân quyền tự quyết trong đời sống kinh tế hay không?
Chủ nghĩa xã hội nhất quán chỉ có thể cho người dân quyền kết hợp trên cơ
sở sự phân bố lực lượng do những điều kiện lịch sử quy định mà thôi”.
* * *
Lí tưởng được Plenge trình bày một cách rõ ràng như thế vốn được rất
nhiều nhà khoa học và kĩ sư Đức cũng như hiện nay đang được các đồng
nghiệp của họ ở Anh và Mĩ ủng hộ, họ chính là những người kêu gọi tổ
chức toàn bộ đời sống xã hội theo kế hoạch tập trung. Đóng vai trò chủ đạo
là nhà hoá học nổi tiếng tên là Wilhelm Ostwald, ông này đã phát biểu một
câu nổi tiếng. Có người nói rằng ông ta đã phát biểu công khai: “Nước Đức
muốn tổ chức châu Âu, cho đến nay ở đó vẫn chẳng có tổ chức gì cả. Tôi
xin giải thích cho các bạn cái bí mật lớn nhất của Đức: Chúng tôi, hay có
thể nói, dân tộc Đức đã phát hiện ra ý nghĩa quan trọng của tổ chức. Trong
khi các dân tộc khác còn đang lặn hụp dưới chính thể cá nhân chủ nghĩa thì
chúng tôi sống dưới chế độ có tổ chức rồi”.
Các ý tưởng giống hệt như thế cũng được truyền bá trong những nhóm
thân cận với ông Walter Rathenau, một người nắm độc quyền trong lĩnh
vực cung cấp nguyên liệu thô ở Đức. Mặc dù ông này có lẽ sẽ phải run bắn