nhận ra được cái bàn tay kỳ diệu ấy trong thứ lý luận của chủ nghĩa tự do
và của chủ nghĩa tự do của Hayek?
Chúng ta không thể không nhớ tới những đơn tử (monade) siêu hình của
Leibniz, những thực thể được xem là “không có cửa cái lẫn cửa sổ”, sống
biệt lập với nhau hoàn toàn, nhưng do thông phần với bản chất của Chúa
nên cuối cùng vẫn chung sống trong trạng thái hài hoà cực kỳ tốt đẹp. Lực
lượng điều hợp những khác biệt của những cá thể trần gian ở đây rõ rệt là
“bàn tay của Chúa”. Nhưng về sau càng có nhiều người khước từ lối giải
thích thần bí ấy, do sự phát triển của khoa học, cho nên đã quay về dựa vào
tự nhiên để giải thích. Thí dụ như lý luận về khế ước xã hội: giả định từ
nguồn gốc của nó, xã hội bao gồm những cá nhân mạnh ai nấy theo bản
chất tự nhiên của mình (bản chất này khác nhau tuỳ theo các tác giả như
Thomas Hobbes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau…) nhưng do phải
sống chung nên đã phải đồng ý với nhau thảo ra những hợp đồng (vâng
phục hoặc hợp tác), biểu hiện thành ý chí chung, căn cứ vào đó điều hành
đời sống xã hội, Bên cạnh đó có nhiều lý luận dựa vào tính chất tự nhiên
mang đặc trưng của xã hội con người để đưa ra các thứ lý luận ngược lại:
không có những cá nhân tồn tại tự thân như những đơn vị cô lập mà chỉ có
những con người của một cộng đồng sống trong những tổng thể siêu cá
nhân (gia đình, xã hội, giai cấp, dân tộc, nhân loại…) mà nội dung của
những thực thể ấy hàm chứa ý nghĩa của một cái gì đó vượt khỏi con số
cộng các thành phần riêng lẻ (Auguste Com te, Karl Marx…)
Chủ nghĩa tự do cổ điển có phương cách của mình. Mandeville nói đến
bản chất ích kỷ có thể tạo ra giàu có là đã giả định một mối quan hệ tự
nhiên tạo ra được sự hoà hợp chung. Những người theo thuyết duy lợi
(Jeremy Bentham, John Stuart Mill…) cũng có những lập luận tương tự khi
cho rằng cá nhân và xã hội có thể đạt được hoà hợp dựa trên lợi ích riêng
biệt. Có khác biệt, Hayek vẫn không thoát khỏi được xu hướng tự nhiên đó,
nhưng với quan niệm riêng về tri thức luận của mình, ông đã mang đến cho
chủ nghĩa tự do một cách lý giải mới: giống như những sơ đồ tiên thiên
trong hệ thần kinh trung ương, các thứ trật tự tự phát của ông mang đậm