nội dung văn hoá, truyền đạt qua thời gian do bắt chước, học tập, giáo dục
thường xuyên mà trở thành “những quy tắc ứng xử đúng đắn” mang tính
chất truyền thống để con người cứ theo đó mà noi theo không cần suy nghĩ,
tính toán trong hành động, Có thể gọi đó là một thứ chủ nghĩa tự nhiên văn
hoá vì văn hoá chính là một thứ “tự nhiên thứ hai” tuy do con người tạo ra
nhưng lại mang tính chất tất yếu như những quy tắc không thể đi ngược lại.
Hayek cho rằng cái hình thái văn hoá đó là đặc trưng của xã hội con người,
nó tự hình thành, tự tích tụ dần dà qua lịch sử, bật ra vào một lúc nào đó
như nước ngầm ở dưới đất vọt lên mặt đất, bất ngờ, không ai tiên đoán
được, không biết ai là người tạo ra. Một sản phẩm thuần túy cộng đồng tự
phát.
Quan niệm về thứ trật tự ấy thật sự cũng không có gì mới mẻ. Cuộc sống
con người là một dòng chảy liên tục ở đó bao giờ truyền thống cũng có sức
nặng chi phối đời sống hiện tại như một điều không thể tránh khỏi, vừa là
kinh nghiệm đã tích tụ thành thói quen, cần noi theo để tạo ra sự liên tục
trong tiến hoá, nhưng mặt khác cũng lại là sức ì quán tính ngăn cản những
đổi thay nhanh chóng cần phải có để thích ứng. Hayek không nhìn truyền
thống như vậy, ông chỉ nhìn thấy mặt thuận lợi của những cái đã đọng lại
thành nếp quen, coi đó chính là di sản của văn minh, dựa vào đó kết hợp
với tri thức luận về tính chất phụ thuộc của lý trí vào những sơ đồ đã định
hình trong hệ thần kinh, phát triển thành một chủ nghĩa phi lý tính, đẩy vào
hàng đối lập mang tính phá hoại mọi ý định muốn thừa kế truyền thống
theo đường lối canh tân hoặc cách mạng. Mặc dù có lần đính chính không
phải là người bảo thủ, nhưng xét về mặt lý luận, Hayek không thể nào thoát
khỏi sự vây bọc của thứ chủ nghĩa phi lý tính do ông tạo ra để tự trói chân
mình vào một thứ chủ nghĩa truyền thống bảo thủ vào bậc nhất của chủ
nghĩa tư bản tự do; lý do thì chúng ta đã biết, đáng nói nhất là chủ trương
chống lại tất cả mọi hình thức can thiệp vào sự vận hành của thứ chủ nghĩa
tư bản tự do ấy, dù chỉ là những dự án điều tiết khiêm tốn hoặc cải cách cục
bộ