kinh nghiệm, tôi chỉ lập luận một cách hệ thống và nhất quán điều mà nhiều
người đã cảm nhận được bằng trực giác. Nhiều người đã vỡ mộng về các lí
tưởng, và việc xem xét chúng một cách có phê phán đó đơn giản chỉ là sự
trình bày thành tiếng và rõ ràng hơn mà thôi.
Ở Mĩ, ngược lại, các lí tưởng này vẫn còn mới mẻ và độc hại hơn. Phần
lớn giới trí thức mới bị nhiễm các lí tưởng ấy từ mười đến mười lăm năm
nay chứ không phải là bốn năm mươi năm như ở Anh. Và mặc dù đã có
những thử nghiệm của Chính sách Mới
, lòng nhiệt tình của họ đối với
kiểu xã hội được thiết kế dựa trên lí trí phần lớn vẫn chưa bị kinh nghiệm
thực tiễn vấy bẩn. Cái mà đối với đa số người Âu, ở mức độ nào đó đã là
vieux jeux
thì đối với những người cấp tiến Mĩ vẫn là hi vọng rực rỡ về
một thế giới tốt đẹp hơn, niềm hi vọng mà họ đã ôm ấp và nuôi dưỡng
trong suốt những năm Đại Suy thoái.
Ở Mĩ các luồng dư luận thay đổi khá nhanh, và hiện nay khó mà nhớ
được giai đoạn tương đối ngắn ngủi trước khi cuốn Đường về nô lệ xuất
hiện, khi mà chính những người chẳng bao lâu sau đó sẽ đóng vai trò quan
trọng trong việc điều hành nhà nước đã ủng hộ một cách nghiêm túc hình
thức kinh tế kế hoạch hóa cực đoan nhất và coi mô hình Liên Xô là tấm
gương cần noi theo. Đưa ra bằng chứng là việc dễ, nhưng nêu tên các cá
nhân là việc không hay. Chỉ xin nói rằng Ủy ban Kế hoạch hóa Quốc gia
được thành lập vào năm 1934 đã dành nhiều chú ý cho việc học tập việc lập
kế hoạch của bốn nước: Đức, Ý, Nga và Nhật. Mười năm sau tất nhiên
chúng ta đã coi chính các nước này là “toàn trị” và chiến đấu khá lâu với ba
nước và chẳng bao lâu sau thì bắt đầu “chiến tranh lạnh” với nước thứ tư.
Thế mà nội dung của cuốn sách này nói rằng diễn tiến chính trị ở các nước
đó có liên quan đến chính sách kinh tế của họ lại bị những người ủng hộ kế
hoạch hóa ở Mĩ bác bỏ một cách đầy phẫn nộ. Mọi người đột ngột đồng
thanh nói rằng cảm hứng kế hoạch hóa không đến từ nước Nga và còn đoan
chắc, như một nhà phê bình xuất sắc của tôi đã nói, rằng “sự thật đơn giản
là Ý, Nga, Nhật và Đức đã tiến đến chế độ toàn trị bằng những con đường
hoàn toàn khác nhau”.