chủ nghĩa xã hội trở thành tất yếu cả. Chỉ có kết cục bi thảm tất yếu của
“hoạch định” mà chúng ta sẽ bàn đến trong phần nội dung tiếp sau. Vấn đề
đáng quan tâm là: phong trào này sẽ đưa chúng ta đến đâu? Và nếu những
người mà niềm tin vốn là điểm tựa của phong trào này bắt đầu chia sẻ
những ngờ vực mà hôm nay mới chỉ ít người nói tới thì liệu họ có trở nên
hoảng loạn mà rời bỏ cái giấc mơ đã làm điên đầu cả thế hệ chúng ta, có
đoạn tuyệt với nó không? Giấc mơ của cả thế hệ chúng ta sẽ đưa chúng ta
đến đâu - đây không phải là vấn đề của các đảng phái, đây là vấn đề mà
mỗi chúng ta đều phải giải quyết. Có bi kịch nào lớn hơn cái bi kịch mà,
nếu chúng ta, trong khi cố gắng giải quyết vấn đề tương lai của nhân loại và
hướng đến những lí tưởng cao cả nhất, lại vô tình tạo ra trên thực tế một
chế độ trái ngược hoàn toàn với những điều chúng ta mong muốn, hay
không?
Có một lí do cấp bách nữa buộc chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo, đấy là:
lực lượng nào đã sinh ra chủ nghĩa xã hội quốc gia? Chỉ có như thế chúng
ta mới có thể hiểu rõ được kẻ thù, hiểu rõ được vì sao chúng ta lại cùng
chung sức chiến đấu. Chẳng cần phải chứng minh rằng chúng ta còn chưa
thật hiểu những lí tưởng tích cực mà chúng ta đang bảo vệ trong cuộc chiến
tranh này. Chúng ta biết rằng chúng ta đang bảo vệ quyền tự do xây dựng
cuộc đời theo các ý tưởng của mình. Thế đã là nhiều, nhưng vẫn chưa đủ.
Chưa đủ để chúng ta giữ vững niềm tin trong cuộc chiến đấu chống lại
những kẻ vẫn coi tuyên truyền, cả thô lậu lẫn tinh vi, là vũ khí chủ yếu. Nó
lại càng không đủ bởi vì sau chiến thắng chúng ta sẽ phải đối mặt với
những hậu quả của đường lối tuyên truyền đó, chắc chắn đây là những hậu
quả lâu dài, cả trong các nước thuộc phe Trục, cũng như trong các nước
chịu ảnh hưởng của phe này. Chưa đủ, nếu chúng ta muốn thuyết phục
người khác chia sẻ các lí tưởng và chiến đấu cùng với chúng ta; chưa đủ,
nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới mới, an toàn hơn và tự do hơn.
Đáng buồn, nhưng đây lại là sự thật: toàn bộ kinh nghiệm mà các nước
dân chủ tiến hành để đối phó với các chế độ độc tài, các cố gắng của những
nước này trong công tác tuyên truyền sau đó cũng như việc xác định nhiệm