I. Con đường bị chối bỏ
Luận đề cơ bản của cương lĩnh này là: không phải rằng hệ thống kinh doanh tự do lấy
lợi nhuận làm mục đích đã bị thất bại hoàn toàn ngay trong thế hệ này, mà là cương
lĩnh đó chưa khi nào được đem ra thực thi.
F. D. Roosevelt
Trong quá trình phát triển, khi nền văn minh bỗng làm một cú rẽ ngoặt
bất ngờ, khi đáng lẽ phải là tiến bộ thì ta lại phát hiện thấy những mối đe
dọa từ tất cả các hướng, dường như đang đưa ta trở về thời kì mông muội,
thế là chúng ta sẵn sàng kết án tất cả mọi thứ, trừ chính chúng ta. Chúng ta
chẳng đã lao động hết mình với những lí tưởng trong sáng nhất đó sao? Để
cải tạo thế giới, những con người thông thái nhất chẳng đã suy nghĩ nát óc
đó sao? Chúng ta chẳng đã từng mơ ước và hi vọng có nhiều tự do hơn,
nhiều công bằng hơn và sung túc hơn đó sao? Và nếu kết quả khác xa với
mục tiêu - nếu thay cho tự do và thịnh vượng lại là cảnh nô lệ và bần hàn -
thì đấy có phải là sự can thiệp của những lực lượng đen tối, làm hỏng các
dự định của chúng ta, có phải là chúng ta đã trở thành nạn nhân của một thế
lực độc ác nào đó, phải đánh bại nó thì mới mong trở lại được con đường
dẫn tới hạnh phúc hay không? Ai có lỗi? Dù câu trả lời có là gì đi chăng
nữa, dù đấy có thể là tên tư sản độc ác, dù đấy có thể là bản tính xấu xa của
một dân tộc nào đó, dù đấy có thể là sự ngu dốt của các thế hệ cha anh hay
dù đấy là hệ thống xã hội vẫn chưa được lột xác hoàn toàn, dù chúng ta đã
đấu tranh chống lại suốt nửa thế kỉ qua - thì tất cả chúng ta đều tin tưởng
tuyệt đối một điều (ít nhất là cho đến tận thời gian gần đây chúng ta vẫn tin
như thế): Các tư tưởng chính yếu, được công nhận rộng rãi trong thế hệ vừa
qua và hiện vẫn được những người tử tế dùng làm kim chỉ nam trong tiến
trình cải tạo xã hội, không thể là những tư tưởng sai lầm. Chúng ta sẵn sàng
chấp nhận mọi lời giải thích cho cuộc khủng hoảng hiện nay của nền văn
minh của chúng ta trừ một nguyên nhân: cuộc khủng hoảng này chính là
hậu quả của một sai lầm mang tính nguyên tắc, đấy là việc theo đuổi một