Theo các quan điểm thịnh hành đương thời, vấn đề sử dụng một cách
hiệu quả nhất tiềm lực của các lực lượng tự phát trong lòng xã hội đã không
còn được nói tới nữa. Trên thực tế, chúng ta đã không còn dựa vào những
lực lượng với những kết quả không thể dự đoán được, và cố gắng thay cái
cơ chế ẩn danh và phi cá tính bằng sự lãnh đạo tập thể và “tự giác”, hướng
tất cả các lực lượng xã hội vào những mục tiêu đã được xác định từ trước.
Có thể là quan điểm cực đoan, nhưng cuốn sách gây nhiều tranh cãi của
giáo sư Karl Mannheim đã thể hiện rõ nhất sự khác biệt giữa hai cách tiếp
cận như thế. Chúng ta sẽ còn quay lại với cương lĩnh gọi là “Kế hoạch hóa
vì tự do” của ông ta. “Chúng ta chưa bao giờ phải điều khiển toàn bộ hệ
thống các lực lượng tự nhiên”, K. Mannheim viết, “nhưng hôm nay chúng
ta buộc phải làm điều đó đối với xã hội… Càng ngày nhân loại càng cố
gắng điều tiết toàn bộ đời sống xã hội của mình, mặc dù họ chưa bao giờ có
ý định thiết lập một môi trường tự nhiên thứ hai
* * *
Đáng lưu ý là sự thay đổi nhận thức lại đi theo hướng ngược với hướng
mà trước đây tư tưởng đã từng dịch chuyển trong không gian. Các tư tưởng
của nước Anh đã lan huyền sang phương Đông trong suốt hai thế kỉ.
Nguyên tắc tự do, được thực thi ở nước Anh, đã lan truyền trên khắp thế
giới. Nhưng đến khoảng năm 1870 thì sự bành trướng của các tư tưởng của
nước Anh sang phía Đông đã chấm dứt. Từ đó trở đi nó bắt đầu rút lui và
những tư tưởng khác, phải nói là hoàn toàn không mới, thậm chí rất cũ, bắt
đầu tấn công theo hướng từ Đông sang Tây. Nước Anh đánh mất vai trò
lãnh tụ tinh thần trong các lĩnh vực chính trị và xã hội và trở thành nước
nhập khẩu tư tưởng. Trong sáu mươi năm tiếp theo, nước Đức trở thành
trung tâm hình thành và truyền bá tư tưởng sang cả phía Đông lẫn phía Tây.
Dù đấy có là Hegel hay Marx, List hay Schmoller, Sombart hay Mannheim,
dù đấy có là chủ nghĩa xã hội dưới dạng cực đoan hay đơn giản là “tổ
chức” hoặc “kế hoạch hóa”, thì tư tưởng Đức cũng hiện diện khắp nơi,
khắp mọi nơi người ta đều sẵn sàng nhập khẩu và tái tạo các định chế Đức
ngay trên quê hương mình.