Phần lớn các tư tưởng mới này, trong đó có chủ nghĩa xã hội, đã sinh ra
bên ngoài nước Đức. Nhưng chúng đã được trau chuốt và đạt được mức
hoàn thiện trên đất Đức trong hai mươi lăm năm cuối thế kỉ XIX và hai
mươi lăm năm đầu thế kỉ XX. Bây giờ người ta đã quên sự kiện Đức là
nước dẫn đầu cả trong lí thuyết lẫn thực hành chủ nghĩa xã hội trong giai
đoạn đó và một thế hệ trước khi ở Anh người ta bắt đầu thảo luận một cách
nghiêm túc về chủ nghĩa xã hội thì ở Quốc hội Đức đã có một đảng xã hội
chủ nghĩa hùng mạnh rồi. Cho đến tận thời gian cách đây không lâu lí
thuyết xã hội chủ nghĩa vẫn được phát triển chủ yếu là ở Đức và Áo, thậm
chí những cuộc thảo luận đang diễn ra ở Nga hiện nay cũng chỉ là sự tiếp
tục cái mà người Đức đã bỏ dở mà thôi. Nhiều đảng viên xã hội chủ nghĩa
ở Mỹ và Anh không thể ngờ được rằng những vấn đề mà họ vừa mới khơi
lên hiện nay đã được những người xã hội chủ nghĩa Đức thảo luận kĩ càng
từ rất lâu rồi.
Các nhà tư tưởng Đức có ảnh hưởng mạnh mẽ như thế không chỉ là vì
nước Đức đã đạt được những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực sản xuất vật chất
mà còn chủ yếu là vì uy tín to lớn mà trường phái khoa học và triết học
Đức đã giành được trong suốt thế kỉ qua, tức là sau khi Đức trở thành thành
viên đầy đủ và thậm chí dẫn đầu trong nền văn minh châu Âu. Nhưng chính
cái uy tín đó chẳng bao lâu sau đã giúp quảng bá cho những tư tưởng phá
hoại các cơ sở của nền văn minh này. Chính người Đức, ít nhất là những
người tham gia vào việc truyền bá, đã hiểu rõ cuộc xung đột: Từ lâu, trước
khi chủ nghĩa quốc xã xuất hiện, ở Đức người ta đã gọi các truyền thống
của châu Âu là “Tây”, nghĩa là phía tây sông Rhine. Chủ nghĩa tự do và
nền dân chủ, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân, tự do buôn bán và mọi
biểu hiện của chủ nghĩa quốc tế và tình yêu hòa bình đều là “Tây” hết.
Mặc dù ngày càng nhiều người Đức có thái độ khinh thường chẳng cần
che đậy đối với các lí tưởng “hời hợt” của phương Tây, hay chính vì thế mà
dân phương Tây tiếp tục nhập khẩu các tư tưởng của Đức. Hơn thế nữa, họ
còn cả tin rằng các quan điểm trước đây của họ thực chất chỉ là sự biện hộ
cho những quyền lợi ích kỉ, rằng nguyên tắc tự do kinh doanh được bịa ra