không phải là nghĩa mà những người say mê kế hoạch hóa xã hội sử dụng
thuật ngữ này; nó cũng không phải là nghĩa ẩn đằng sau lời khẳng định
rằng muốn phân phối thu nhập hoặc lợi ích theo những tiêu chuẩn cụ thể
nào đó thì nhất định chúng ta phải áp dụng kế hoạch hóa. Theo các đồ đệ
của lí thuyết kế hoạch hóa đương thời cũng như để thực hiện các mục đích
của họ thì việc thiết lập một hệ thống pháp chế duy lí, có tính ổn định lâu
dài, rồi để cho những người tham gia tự hoạt động theo các kế hoạch của
riêng mình là chưa đủ. Họ cho rằng kế hoạch tự do như thế không phải là
kế hoạch, và quả thật, đây không phải là kế hoạch nhằm đáp ứng quan niệm
rằng người nào thì được phân phối cái gì, cái mà các đồ đệ của lí thuyết kế
hoạch hóa yêu cầu là quản lí tập trung toàn bộ các hoạt động kinh tế theo
một kế hoạch thống nhất, trong đó có ghi rất rõ các nguồn lực của xã hội
được “chủ ý phân bổ” ra sao, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể nào.
Do vậy, cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và phản đối kế hoạch
hóa không phải là liệu chúng ta có nên lựa chọn hình thức tổ chức xã hội
một cách thông minh hay không, cũng không phải là vấn đề áp dụng các dự
báo và tư duy hệ thống vào việc lập các kế hoạch của chúng ta. vấn đề được
đem ra thảo luận lại là: lập kế hoạch theo kiểu gì? vấn đề là để đạt được các
mục đích như thế thì (i) người nắm quyền lực cưỡng bức [chính phủ -ND]
chỉ cần quan tâm đến việc tạo ra các điều kiện trong đó tri thức và sáng
kiến của các cá nhân có những cơ hội tốt nhất sao cho họ có thể lập kế
hoạch cho các hoạt động của mình, hay (ii) việc sử dụng các nguồn lực của
chúng ta một cách hợp lí đòi hỏi phải có sự quản lí tập trung và tổ chức tất
cả các hoạt động của chúng ta theo một bản “kế hoạch chi tiết” được lập ra
một cách có chủ ý từ trước. Những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng
phái đều coi loại kế hoạch hóa thứ hai mới là “kế hoạch hóa” và hiện nay
đấy chính là ý nghĩa được nhiều người chia sẻ hơn cả. Dĩ nhiên điều đó
không có nghĩa là phương pháp quản lí đời sống kinh tế duy lí kiểu đó là
phương pháp duy nhất. Những người ủng hộ kế hoạch hóa và những người
theo phái tự do chia rẽ nhau sâu sắc nhất là ở điểm này.
* * *