Điều quan trọng là không được lẫn lộn giữa quan niệm của những người
phản đối kiểu kế hoạch hóa này với thái độ laiser-faire giáo điều. Phái tự do
không ủng hộ quan điểm bỏ mặc cho mọi sự muốn ra sao thì ra; họ ủng hộ
việc sử dụng một cách tốt nhất các lực lượng cạnh tranh, coi đấy là biện
pháp phối hợp hữu hiệu nhất các nỗ lực của con người. Nó xuất phát từ
niềm tin rằng hệ thống cạnh tranh hiệu quả chính là kim chỉ nam tốt nhất
cho các cố gắng của từng cá nhân. Nó không những không phủ nhận mà
còn nhấn mạnh rằng để hệ thống cạnh tranh hoạt động hiệu quả thì phải có
một khung pháp lí thật rõ ràng và các điều luật, cả trong quá khứ cũng như
hiện tại, đều không tránh khỏi những khiếm khuyết nghiêm trọng. Nó cũng
không phủ nhận thực tế rằng trong những lĩnh vực không thể tạo được điều
kiện cho cạnh tranh hiệu quả thì phải dùng các biện pháp quản lí kinh tế
khác. Chủ nghĩa tự do kinh tế chỉ phản đối việc thay thế hệ thống cạnh
tranh bằng những biện pháp quản lí các hoạt động kinh tế thô sơ hơn mà
thôi. Chủ nghĩa tự do coi cạnh tranh là ưu việt hơn không chỉ vì trong hầu
hết các trường hợp đấy chính là biện pháp hữu hiệu nhất mà còn vì đây là
phương pháp không đòi hỏi sự can thiệp có tính cưỡng bức hoặc độc đoán
của chính quyền. Nó bác bỏ “sự kiểm soát xã hội một cách có chủ ý” và
dành cho cá nhân cơ hội lựa chọn, liệu triển vọng của một công việc cụ thể
có bù đắp được những thiệt hại và rủi ro gắn với công việc đó hay không.
Sử dụng một cách hiệu quả cạnh tranh sẽ loại bỏ được những sự can
thiệp mang tính cưỡng bức đối với đời sống kinh tế, nhưng lại cho phép
những sự can thiệp khác nhằm thúc đẩy cạnh tranh và đôi khi đòi hỏi chính
phủ phải có những hành động nhất định. Nhưng phải nhớ rằng có những
tình huống mà sự can thiệp mang tính cưỡng bức là không thể chấp nhận
được. Trước hết là các bên tham gia thị trường phải có toàn quyền mua và
bán hàng hóa với giá bất kì, miễn là tìm được người muốn mua, và mọi
người được tự do sản xuất, bán và mua tất cả những gì về nguyên tắc có thể
được sản xuất và được bán. Quan trọng là mọi lĩnh vực đều mở rộng cửa,
trên cơ sở như nhau, cho tất cả mọi người cùng tham gia và pháp luật phải
ngăn chặn mọi hành vi của các cá nhân hoặc các nhóm, dù công khai hay bí