mật, cố tình cản trở sự tham gia như thế. Ngoài ra, bất kì sự kiểm soát giá
cả hay số lượng hàng hóa nào cũng đều làm cho cạnh tranh mất khả năng
điều phối hữu hiệu các nỗ lực của các cá nhân bởi vì sự dao động của giá
cả, trong trường hợp đó, sẽ không phản ánh được các thay đổi trong thực tế
và không còn là chỉ dẫn đáng tin cậy cho hoạt động của các cá nhân nữa.
Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Các biện pháp hạn
chế nhằm ngăn chặn một số công nghệ là có thể chấp nhận được, miễn là
được áp dụng đồng đều cho tất cả các nhà sản xuất tiềm năng và không
phải là các biện pháp quản lí gián tiếp giá cả hoặc sản lượng hàng hóa. Mặc
dù việc kiểm soát phương pháp sản xuất như thế thường dẫn đến các chi
phí phụ trội (để sản xuất cùng một lượng hàng hóa phải cần nhiều nguồn
lực hơn), đây vẫn có thể là việc làm cần thiết. Việc cấm sử dụng các chất
độc hại hay yêu cầu áp dụng các biện pháp an toàn, giới hạn thời gian làm
việc và các quy tắc vệ sinh, đều không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với
cạnh tranh, vấn đề ở đây chỉ là lợi ích thu được có lớn hơn các chi phí xã
hội hay không mà thôi. Cạnh tranh có thể đồng hành với một hệ thống các
dịch vụ công cộng rộng khắp miễn là hệ thống này không được tổ chức
nhằm hạn chế hiệu quả cạnh tranh trong những ngành nghề khác.
Đáng tiếc là, mặc dù có thể hiểu được, trong quá khứ người ta thường
chú ý đến các biện pháp cấm đoán hơn là các biện pháp tích cực nhằm
khuyến khích sự phát triển cạnh tranh. Quả là cạnh tranh không chỉ đòi hỏi
phải tổ chức một cách đúng đắn các thiết chế như tiền tệ, thị trường và các
kênh thông tin - trong nhiều trường hợp, về nguyên tắc, doanh nghiệp tư
nhân không thể cung ứng được - mà trước hết nó đòi hỏi một hệ thống pháp
luật thích hợp. Đấy là hệ thống pháp luật được xây dựng nhằm bảo vệ và
thúc đẩy cạnh tranh một cách hiệu quả nhất. Mới chỉ có luật công nhận tư
hữu và tự do kí kết hợp đồng thì chưa đủ. Quan trọng là phải có định nghĩa
riêng về quyền tư hữu cho những loại tài sản khác nhau. Đáng buồn là việc
nghiên cứu một cách có hệ thống các thiết chế pháp lí nhằm thúc đẩy hệ
thống cạnh tranh hoạt động một cách hữu hiệu đã bị bỏ bê, kiến thức trong
lĩnh vực này vẫn còn nhiều thiếu sót, đặc biệt là trong lĩnh vực luật về công