Chúng tôi đi vào làng và hỏi thăm để thuê một chỗ ở, nhưng tất cả các nhà,
tất cả các phòng, tất cả các giường, tất cả các gốc kẹt đều đã có người
chiếm ngự... Không còn chỗ nào cho hai tôi cả.
Ở đầu đường một con suối uốn éo băng ngang dưới ba cây cầu nhỏ và xa
hơn tí nữa là bức tường đỏ chót của một ngôi chùa. Những cây thông, cây
bách in thành những vết đen xậm trong bóng chiều. Những nóc chùa vàng
chói chiếu hắt những vệt sáng lên đám lá tối đen. Đúng lúc ấy, người lính
hầu cận chạy tới báo cho biết anh đã tìm được cho chúng tôi một căn phòng
trong Đại Khách Sạn Nam-Ninh. Chúng tôi miễn cưỡng rời cái phong cảnh
u nhã đó để đi theo anh ta. Khách sạn, khiêm tốn lắm mới có thể gọi
là"đại", là một kiểu nhà mới xây bằng gỗ và vữa trên một cái sân rộng, phía
ngoài có cái cổng thật vĩ đại với hàng chữ cao đến cả thước. Tất cả tổng
cộng có mười tám phòng. Những phòng dưới nằm ngay sát mặt sân, có khi
còn thấp hơn là khác. Nền nhà là đất nện và tất cả cửa lớn, cửa sổ đều mở
ra sân. Tầng trên cùng y như vậy, chỉ khác là nó có một hành lang bao
quanh. Sân cũng là chỗ để xe luôn. Hơn một chục chiếc xe đầy bụi và bùn,
dáng tả tơi mệt mỏi, đậu thành hàng dài trên sân. Không có con đường lót
đá hoặc gạch nào dẫn qua sân cả, trái lại ngay cả giữa mùa nắng ta cũng
phải dọ dẫm, cẩn thận tránh vũng bùn nằm chình ình thường trực giữa sân.
Nguyên nhân của vũng bùn này rất dễ hiểu: Đại Khách Sạn Nam-Ninh
không có cống rãnh gì cả. Những người ở tầng trên đã hắt đại những chậu
nước bẩn lên mui đám xe đậu dưới sân trong khi những người ở tầng dưới
thản nhiên hắt vào giữa các bánh xe.
Với tất cả những sự thiếu tiện nghi như vậy, Đại Khách Sạn Nam-Ninh vẫn
không thiếu khách. Ít ra nó có một mái nhà, bốn bức vách. Điều đó có
nghĩa là một chỗ trú thân, một chỗ để ngủ và đã đầy những sĩ quan là sỹ
quan. Căn phòng mà người lính kiếm được thực ra không trống khi chúng
tôi đến lấy. Một người độc thân, bạn của tướng Tăng đã ở đó, nhưng sau
khi biết rõ hoàn cảnh của chúng tôi, ông sẵn sàng nhường lại và đi ở với hai
người bạn độc thân khác.