Thế giới bên ngoài và chiến tranh ào vào Nam-Ninh. Những toán lính ùa
đến đóng rải rác chung quanh làng trong các lều cỏ hay các lều vải. Họ đào
hầm hố và thiết lập một hệ thống phòng không. Họ vừa đi vừa ca hát...
Nhiều người đến rồi lại nhiều người khác nữa đến, con buôn, đầu bếp, thợ
thủ công, công nhân, dân tản cư... Họ đến đây bằng đủ cách, xe hơi, xe kéo,
xe bò hay đi bộ. Họ dựng nhà, dựng quán, dựng tiệm trang hoàng bằng
những bảng hiệu xôm trò mang các tên của các cửa hàng nổi tiếng ở
Thượng-Hải hay Hán-Khẩu. Nhiều nhất và phổ thông nhất là các hàng ăn
và các tiệm may. Chiến tranh hay không chiến tranh, đàn ông vẫn cần ăn và
đàn bà vẫn cần may mặc.
Tiếng máy may Singer chạy rào rào suốt đêm dưới ánh đèn dầu. Trên các
cái kẹp, đám thợ thủ công đang khéo léo tết các khuy bằng sợi, hàng dẫy
dài quần áo đủ mầu cắt sẵn treo kín trên các cây sào bắc ngang nhà. Chúng
tôi thích những hàng có in hoa mầu, nhưng mầu xanh đậm được chuộng
nhất với cái hoàn cảnh mới mẻ này.
Tất cả mọi hàng ăn đều phát đạt. Có những người bán mì rong, thường lấy
hai miếng tre gõ vào nhau côm cốp để rao hàng, và lủng lẳng trên hai đầu
đòn gánh chỉ có một cái lò và một cái tủ kính nhỏ. Một ông chủ hàng ăn nổi
tiếng ở Nam-Kinh đã trốn đi với cái gia sản độc nhất: một bản thực đơn mà
ông giữ trong đầu, lại mở cửa tiệm trong một căn nhà nhỏ và lại đầy khách.
Suốt từ sáng cho đến nửa đêm, người ta chen lấn nhau trong nhà hàng này.
Công việc buôn bán thật là tốt đẹp, nhất là vào buổi tối khi hàng đám người
đổ dồn về con đường độc nhất của Nam-Ninh. Các tiệm ăn lúc nào cũng có
người chen lấn. Người này đến để nói cười, ăn uống, người khác kéo đến
chỉ vì tiếng ồn ào và mùi vị- lửa cháy hồng và nổ lắp bắp trong lò dưới các
vỉ sắt nướng. Mùi cơm chín thơm nức bốc ra từ các nồi lớn dưới cái vung
gỗ. Các món sào kêu xèo xèo thơm lừng mùi hành, mùi tỏi và mùi gia vị.
Ta có thể thấy cái quang cảnh đó, cái cảnh tấp nập ngoài đường phố, cái vẻ
giản dị, cái không khí vui vẻ cởi mở đó hầu hết trên các quận lỵ Trung-