- Em phải gửi một bức điện tín, tôi vẫn bướng bỉnh. Chắc là Pao đã được
tin về cuộc oanh tạc rồi. Em cần trấn an anh ấy.
Anh Hai cãi lý với tôi, nài nỉ và sau cùng phát cáu vì sự bướng bỉnh của tôi.
- Ích lợi gì mà báo tin cho Pao biết là cô còn sống trong lúc cô sẽ chết khi
đi gửi điện tín cho Pao.
Sau cùng, không thể lay chuyện nổi tôi, anh Hai cho tôi đôi giầy phòng hờ
độc nhất của anh- tôi phải cột quanh mắt cá mới đi được- bốn chục quan
kim sau khi uống trà và ăn một bát cơm. Mọi người đều nhìn tôi lắc đầu
trong khi tôi xuống dốc đồi dưới ánh nắng gắt như thiêu.
Suốt con đường, tôi đã đi ngược dòng người. Không có ai ngoài tôi đi về
Trùng-Khánh cả. Trên đường, mọi người nhìn tôi kỳ dị, tôi, kẻ đang trở lại
thành phố bị kết án tử với chiếc áo của Pao trên tay. Tôi bắt đầu nghi ngờ
và tự hỏi liệu có đúng như lời anh Hai nói, liệu tôi sẽ chỉ thấy một thành
phố trống lổng? Tôi hơi sợ, nhưng chỉ vì bướng bỉnh, tôi nhất định không
chịu quay lại.
Thành phố hiện ra dưới mắt tôi, trùm dưới màn khói. Tôi tiếp tục đi. Lúc đó
là buổi trưa. Càng ngày sức nóng và bụi càng trở nên khủng khiếp! Tôi khát
khô cổ. Chẳng bao lâu, đi đến các khu ngoại ô, tôi bắt đầu thấy các đống
gạch vụn và tro tàn tại những nơi bom nổ, và bom lửa đã rơi xuống... Tôi
vẫn tiếp tục đi. Đến ba giờ trưa, tôi đến trụ sở của Y.W.C.A. (*). Tôi có một
cô bạn ở đó. Nơi đây hoàn toàn trống vắng. Cửa mở ra khi tôi vặn nắm cửa.
Tôi gọi lớn trong phòng khách, nhưng không ai trả lời.
(*) Nhà trọ dành riêng cho phụ nữ của tổ chức xã hội công giáo.
Tôi đi rảo qua các phòng và tìm thấy ít nước trong cái bình thủy, uống mà
chẳng thấy đỡ khát. Trong một phòng tắm, tôi thấy một khạp nước, không
uống được vì chưa đun sôi, nhưng tôi chùi hết lớp mồ hôi và bụi bẩn trên
mặt. Mặc dù đã lục lạo khắp nơi, tôi chẳng tìm được gì ăn. Khi đi ra, tôi