Ở nhà, Thím Ba đón và hỏi han tôi, nước mắt vòng quanh. Cứ mỗi lần tôi
kể thêm một chuyện, thím lại nức lên khóc và tôi nghĩ là vì thương cảm và
vui mừng hơn là vì tiếc của. Sau khi tôi kể hết, Chú Ba bật lên cười và nói
với tôi:
- Thấy không, chú chả thường bảo rằng cái bàn thật tốt là gì. Ngày nay thì
làm gì còn thứ gỗ nào tốt như thế nữa.
Chú tỏ ra hoàn toàn rửng rưng về việc mất ngôi nhà, chú phát tay- như vất
một món đồ vô giá trị- và nói: " Xuẩn lớ!" có nghĩa là "Xong!"
Nhưng cái chết của Lão Sáng làm chú xúc động. Đó là một người làm của
gia đình từ nhiều năm qua. Lão đã thuộc vào gia đình. Chú tôi định là anh
Hai phải đốt nến và tiền vàng ngay tại chỗ tang tóc đó để an ủi linh hồn lão.
Chú cũng tính sẵn một món tiền cấp dưỡng cho gia đình lão.
Vẫn chưa có thư Pao! Chắc chắn là chàng phải nhận được điện tín và mấy
bức thư mà tôi viết kể tỷ mỷ việc tôi thoát nạn. Nếu tôi đoán được, hay chỉ
mơ hồ tưởng tượng rằng Pao chẳng nhận được gì của tôi, băn khoăn lo ngại
hẳn đã khiến tôi mất ngủ vì tôi biết rõ bản chất dữ tợn và hung hăng của
chàng.
Trên mặt trận Tây-Bắc, Pao đã nhận được những tin tức đầu tiên một hay
hai ngày sau khi Âu và Mỹ-Châu nhận được tin điện báo. Tin tức được
truyền từ miệng người này qua miệng người kia: "Dội bom lớn ở Trùng-
Khánh", không có tin chi tiết: Ngay trong thời bình, việc loan tin ở Trung-
Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn kỳ cục. Các báo cáo đều bị méo mó vì
tất cả các thứ tin đồn. Trong thời chiến, nơi tiền tuyến, binh sĩ sống trong
cảnh đếm từng ngày, chỉ biết lo đến nỗi an nguy trước mắt. Việc xảy ra ở
vùng lân cận không liên can gì đến họ cả. Một vài người đã đọc bản công
điện hay các bản thông tin quân sự và đã lập lại cách lửng lơ: "Dội bom dữ
ở Trùng-Khánh!"