tôn giáo, đã cầu xin tất cả các thần thánh, đã đi từ chùa này sang nhà thờ
kia, đã khấn khứa một lời cầu xin duy nhất trước khắp các bàn thờ: "Xin
cho nàng sống. Hay hãy cho con được biết chắc!" Chàng đã đốt nến trắng
trước Đức Mẹ Maria, đốt nhang trước Phật Bà Quan Âm, vị Phật toàn nhân
đức. Chàng đã tặng tiền cho các nhà sư mặc áo cà sa để giải đoán các quẻ
thẻ xin trước tòa sen. Khi có những lời đoán tốt, chàng lại tặng thêm nhiều
tiền nữa và ra đi cùng với lòng lo lắng cứ dầy xéo trong lòng vì chàng vẫn
coi các nghi lễ đó là dị đoan. Chàng đã quỳ trong một nhà thờ Tin Lành
quét vôi trắng toát, đã đọc bài kinh: Hãy cứu giúp chúng tôi khỏi điều dữ.
Chàng thêm vào: " Hãy cứu giúp nàng".
Còn tôi, từ hơn một tuần nay, tôi ở Thành-Đô yên lành và vô sự. Đó là ngày
20 tháng năm- mười sáu ngày sau cuộc dội bom, gần như đúng từng giờ.
Tôi đang ngồi trong vườn, ngắm chùm lá tre trong suốt dưới ánh nắng vàng
của buổi chiều tà. Tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo văng vẳng, the
thé và liên tục, rinh rinh rinh và biết rằng chỉ có thím Ba ở nhà, tôi chạy
vào giúp thím. Thím đã gỡ máy và đang cuống như thường lệ; bà hét: "Vê?
Vê? Ai? Phải, cô ấy ở đây. Ai?" Tôi lấy máy điện thoại trong tay bà. Trong
tai tôi, tiếng máy rì rì, rồi tiếng nói của Pao xúc động, giận dữ la tổng đài
viên đã cắt đường giây.
- Pao! Pao! Tôi thảng thốt.
- Tú-Anh!
Và tôi biết rằng mặt chàng rạng rỡ như tôi chưa từng thấy bao giờ vì giọng
chàng tắc nghẹn, vì chàng hỏi tôi rối rít, gần như không đâu vào đâu!
- Em đấy hả? Có phải tiếng em đó không, Tú Anh? Anh sẽ rời Sĩ-An sáng
mai. Anh có một chỗ trên một chuyến xe vận tải. Anh sẽ bỏ hết. Anh sẽ xin
giải ngũ. Anh không muốn xa em nữa. Mình cần sống bên nhau. Tú-Anh!