nó lại lẻn đi nữa. Tôi thường nghe tiếng nó bị đòn nhiều lần trong một
ngày. Nhưng mỗi khi nghe tiếng còi báo động thì dù ở đâu nó cũng phóng
như bay về nhà. Nó chụp cái mũ rộng như cái ô lên đầu, lượm gói quần áo
nhỏ đeo lên vai và lếch nhếch theo sau má nó đi đến hầm trú ẩn. Đôi khi
quá mệt, nó khóc rấm rức, mặt mày trắng hếch và ngồi bệt xuống vệ đường
cho đến khi má nó tới lôi nó dậy. Nó đứng dậy không một lời than van và
tiếp tục kéo lê dưới ánh mặt trời lửa bỏng.
Chẳng bao lâu mụ chủ nhà tăng tiền nhà. Chúng tôi hoàn toàn nằm trong
tay mụ. Một là trả tiền, hai là cuốn gói. Thiếu gì người muốn thuê phòng
đó. Càng ngày nhà cửa ở Trùng-Khánh càng hiếm hoi vì nhà bị phá hủy
nhiều hơn là xây cất. Những người nghèo kéo về quê hay vào các trại tỵ
nạn hoặc dựng lấy một cái chòi lá để sống. Những người khá hơn thì đi sục
sạo khắp nơi để thuê phòng. Rất nhiều khi đang nấu cơm, tôi bị một đám
người lạ hoắc đang đi kiếm chỗ ở ào vào phòng. Thường họ kéo cả nhà
cùng đi, luôn luôn người mẹ với một đứa con trên tay dẫn đầu, theo sau là
một lũ con nít rồi đến người chồng, vẻ lì lợm cười cười và sục luôn vào
phía sau. Luôn luôn chỉ có một điệp khúc: "Chúng tôi bị nạn. Chúng tôi
không còn nhà cửa gì cả. Hãy nhủ lòng thương, cho chúng tôi ở tạm vài
ngày".
Biết trả lời sao?"Vài ngày" đây có nghĩa là suốt mùa hạ, suốt năm!
Họ đi rảo khắp nơi, nhòm ngó các căn phòng.
- Đây có một phòng nữa. Hai phòng? Cho bà và chồng bà thôi. Nhưng
phòng này có thể chứa được mười người, phòng kia ba- và chúng tôi có
chín mạng! Tôi biết làm bếp. Ta sẽ chung tiền nhà và tiền cơm. Chỉ vài
ngày thôi- trong lúc chúng tôi đi kiếm nhà.
Đôi khi, tôi may mắn được mụ chủ nhà cứu giúp. Khi nghe tiếng đồ đạc
lỉnh kỉnh, tiếng trẻ con kêu réo, mụ ta thò ra khỏi phòng.