Lí-Lệ-San đến trước cửa nhà tôi và có vẻ nghi ngờ về sự tiếp đón của tôi
nên chìa tấm giấy giới thiệu của nhà YWCA ra. Khuôn mặt nhỏ và xanh
tái, tóc đen, cũng buông rũ xuống vai. Cặp mắt đưa đi đưa lại đượm nét hãi
sợ và buồn. Cô ta mặc một cái xường xám hoa, cắt và may khéo đến cái độ
chỉ có thợ Thượng-Hải hay Hồng-Kông mới có thể làm được. Có lẽ cô ta
vào khoảng mười chín.
Giấy giới thiệu nói qua về cô ta. Cô ta là đứa con ngỗ nghịch nhất của tổ
chức, luôn luôn phá quấy mọi người bằng cách rêu rao những ý kiến thiên
cộng.(Thư giới thiệu chỉ nói qua vài nét chính, sau này tôi bổ khuyết thêm
nhờ chính Lệ-San.) Lòng nung nấu muốn làm được việc gì cho quốc gia, cô
đã đến Trùng-Khánh- bằng tàu thủy đến Hồng-Kông, rồi bằng tàu bay đến
đây, vì cô ta có rất nhiều tiền. Cô ta định đi về vùng Tây-Bắc, về các miền
hang động ở Vân-Nam, mật khu của Cộng Sản. Cô ta những muốn cắt tóc
ngắn, mặc đồ lính, ngày hai bữa kê, muốn chia sẻ mọi nỗi cực nhọc. Đến
Sĩ-An, người ta không cho cô đi xa hơn. Cô ta ở đó một thời gian, sống
trong nhà mấy người truyền giáo Hoa-Kỳ nhưng họ không ưa những ý kiến
của cô ta. Cô ta đành quay về Trùng-Khánh; nhưng rất bực tức và không
ngớt hăm he sẽ trốn đi Tây-Bắc nữa. Trong lúc đó, cô ta kiếm không ít tiền
bằng cách dạy tiếng Trung-Hoa cho những người ngoại quốc.
Nhà YWCA đã tìm giúp cho cô ta công việc này với hy vọng an định được
cô ta. Với tôi, cô ta có thể cộng sản đến hết mực cô ta muốn, điều đó chẳng
có gì quan trọng. Nhưng với Pao và An-Tôn, hai tay Quốc-Dân-Đảng hạng
nặng, tôi đoán thế nào cũng có xung đột. Ngay từ bữa cơm đầu tiên, cô ta
đã kể hết tiểu sử và ý định. Cô ta kể với tất cả mọi người không e ngại giữ
gìn gì cả. Đầu cô ta luôn luôn đầy những ý tưởng cao cả và những lý thuyết
tuyệt vời. Khi nói về những điều đó, đôi mắt đen rực sáng và mặt cô ta đỏ
lên cách hết sức cuồng nhiệt.
An-Tôn hơi nhỏm dậy và nghiêng mình cách trịnh trọng: