Suốt mùa hè năm đó, tôi đã sống trong một thế giới khác hẳn cái thế giới
mà sau này chìm ngập trong khói lửa. Quê hương Trung-Quốc xa tít mù tận
cả trong không gian lẫn thời gian. Tôi sống trong một xứ Anh thanh bình,
một xứ từ sau vua Guillaume le Conquérant, chưa hề có kẻ xâm lăng nào
đặt được chân lên, cũng như khi hạm đội Armada Y-Pha-Nho bị bão bể đập
tan, không còn một đe dọa xâm lăng nào để làm xáo trộn nếp sống thanh
thản. Đó là một xứ rất dễ thương với các vườn hồng, các thảm cỏ xanh
mướt, với thừa mứa thực phẩm, với những đứa bé hồng hào, với những cô
gái trẻ trung đẹp đẽ, với những mệnh phụ quý phái hiếu khách. Tôi có bạn
bè, có một công việc thích thú để giải khuây. Tôi đã nếm qua một quãng
thời gian yên ổn hạnh phúc và ngày nay, nó đã thuộc vào lớp quá khứ
không bao giờ phai mờ; mỗi lần nghĩ lại, nó càng đẹp hơn và thân thiết
hơn.
Vào tháng bẩy, các báo đều đăng vắn tắt tin một cuộc đụng độ nhỏ xảy ra
tại ngoại ô Bắc-Kinh: các binh sĩ Trung-Hoa và Nhật-Bản đã bắn nhau
trong khi binh sĩ Nhật đang thao đợt mà không có phép(chiếu theo một bản
hòa ước đã lỗi thời, có nhiều cường quốc được phép dồn quân tại miền Bắc
để giữ con đường từ Bắc-Kinh ăn thông ra biển. Người Nhật đã lợi dụng
điều khoản đó để biện minh cho việc họ đã đồn trú hàng vạn quân tại các
tỉnh ở miền Bắc. Đây không phải là lần đầu tiên đạo quân xâm lược của họ
đụng chạm với người Trung-Hoa, những người cư ngụ hợp pháp trên đất
đó).
Đối với tôi, đó cũng chỉ là một cuộc rắc rối khác không hơn không kém.
Không biết có phải tôi mù quáng đến cái độ không nhận ra những dấu hiệu
báo trước cơn bão táp sắp nổi lên ở phương Đông? Không khí thanh bình
trùm bọc quanh tôi đã khiến tôi mụ đi, mất hết cả trực giác. Tôi đã quên hết
cái không khí căng thẳng, bất an ở Trung-Hoa. Nhưng Pao biết ngay rằng
cuộc chiến tranh nhen nhúm từ lâu đã bùng nổ. Chàng liên lạc với sứ quán
Trung-Hoa tại Luân-Đôn xin phép hồi hương ngay lập tức. Sứ quán đánh
điện hỏi ý kiến của cục quân huấn và tướng Bạch-Chung-Si trả lời: