đường đầy những người chạy tản cư. Chúng tôi thấy những đồng bào của
chúng tôi, gầy mòn, rách rưới, phải bỏ nhà cửa ruộng đồng ra đi. Một nông
dân da đen sạm, lưng còng xuống dưới chiếc đòn gánh cong vòng vì sức
nặng của mớ hành trang lủng lẳng ở hai đầu đòn; một bé gái nhỏ chân đi
đất, tóc rối tung, bím tóc xổ rã rời đang kéo vạt áo người nông dân. Hai
người bước ngang qua màn ảnh, hướng cặp mắt cam chịu nhìn chúng tôi.
Chúng tôi không thể chịu đựng hơn nữa. Pao thì thào:
- Đi ra thôi!
Chúng tôi đi lang thang trên đường phố giữa đám sương mù mùa đông giá
lạnh ở Luân-Đôn.
Chiến tranh đã kéo dài được một năm. Thượng-Hải bị hạ, rồi đến Nam-
Kinh và mọi người đều đoán là Trung-Hoa sắp sửa đầu hàng. Nhưng tuy lùi
chúng tôi vẫn chiến đấu. Chúng tôi dùng du kích đánh phá các đường liên
lạc tiếp vận của địch quân, chúng tôi dựa trên nguồn nhân lực khổng lồ và
vào tinh thần trường tồn của chúng tôi. Chúng tôi bước sang giai đoạn hai
của cuộc kháng chiến: sự chịu đựng của chúng tôi dẻo dai hơn địch quân.
Mùa xuân đến, với chiến thắng vẻ vang ở Đài-Di-Trang, hy vọng lại sống
lại... Lòng đầy can trường, chúng tôi bước sang năm thứ hai của cuộc
chiến.
Những lá thư rời rạc gửi từ Bắc-Kinh qua không cho chúng tôi bao nhiêu
tin tức. Người Nhật kiểm soát thư từ gắt gao. Cuộc sống vẫn tiếp tục,
nhưng mọi điều, mọi thứ đều bị gò bó và hạn hẹp. Lớp thanh niên thấy một
tương lai thật vô vọng. Tất cả các đại học đều bị đóng cửa, trừ lại có hai
trường: hai trường này bị kiểm soát gắt gao, các sinh viên luôn luôn bị nghi
ngờ và bị đe dọa bắt bớ. Rất nhiều bạn thân và bạn học của tôi đã phải di cư
sang vùng Trung-Hoa Tự-Do; những người khác vùng lên chống lại sự áp
chế của người Nhật bằng cách trốn đi theo các đoàn kháng chiến quân.
Chúng tôi nhận được ít thư từ của bạn hữu trốn khỏi Bắc-Kinh, mô tả cuộc
sống thật tàn tệ, một cuộc sống không đáng gọi là cuộc sống nữa: đối với