những kẻ ở lại, hay những người nào không thể trốn được, cuộc sống của
họ là cuộc sống chết. Những bức thư đó có nói với tôi về những trường hợp
của cô bạn này hay anh bạn kia đã tìm cách giải thoát trong vòng tay nàng
phu dung hay trong các cuộc truy hoan miệt mài. Với sự bảo trợ của quân
Nhật, các ổ điếm, các tiệm hút, mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Thoạt tiên
chỉ là sự buồn nản và tuyệt vọng, tất cả các nguồn sinh lực đều bị tù hãm,
tự do: trụy lạc và bại hoại.
Khi đọc những thứ này tôi hiểu ra rằng, sự thống trị của ngoại bang chỉ
nhằm khai thác xứ sở chúng tôi, tôi không còn thể nào giữ nguyên lập
trường chủ hòa được nữa. Chúng tôi cần phải kháng cự, cũng y như chúng
ta phải chống lại bệnh tật, điều đó có nghĩa là chống lại một cuộc xâm lăng
dũng mãnh hơn, ác hại hơn, chống lại cái nọc độc đang tàn phá sức lực của
ta, tái tạo sức lực và giúp cho các cơ phận đã bị tàn phá hoạt động trở lại.
Tôi không còn thể nào ngồi nhìn xuông được nữa, tôi phải tham dự vào
cuộc chiến, tôi phải tham gia vào công cuộc kháng chiến của dân Trung-
Hoa. Tôi phải về nước. Dù không làm được gì quan trọng, tôi cũng phải về,
tôi cần hiện diện tại đó để chia sẻ những khổ cực và gian nguy. Tôi là người
Trung-Hoa mà!
Bởi thế khi Pao báo cho tôi biết khóa học của chàng đã mãn, chàng có thể
về và chàng sẽ lên tầu về nước vào tháng chín, tôi nói với chàng là tôi cũng
về.
Lúc này, chúng tôi đã khá thân nhau. Chúng tôi khám phá ra rằng tuy hay
cãi nhau dữ dội, chúng tôi vẫn đến với nhau để tìm thấy trong nhau một
khích động, một nguồn cảm hứng và một sự thông cảm sâu xa.
Vào một buổi tối mưa dầm tháng tám, Pao đến tìm tôi tại căn nhà trọ ở
South Kensington. Chúng tôi đi xem kịch. Cả hai chúng tôi đều rất ham mê
kịch nghệ. Chúng tôi đi xuống thang gác và bước ra đường, im lặng. Chúng
tôi đi và cứ im lặng đi mãi như thế cho đến khi vào đến trung tâm Luân-
Đôn. Chúng tôi cần có mưa để thoa dịu giúp chúng tôi chịu đựng sự dằn vặt