của tư tưởng. Những chiếc xe hơi vụt qua; những cặp đèn sáng loáng dọi
thành những vệt dài trên mặt nhựa sũng nước, vết xe lăn qua bị nước mưa
xóa nhòa, ngay tức khắc. Đèn đường mù mờ như những vừng trăng ẩn
trong sương mù. Chúng tôi cứ tiếp tục bước, tay thọc trong túi áo, mắt nhìn
thẳng.
Sau cùng Pao lên tiếng:
- Tú-Anh, cô chẳng nên về làm gì. Cô đã nghiền ngẫm đủ thứ ý tưởng về
tình yêu quê hương, về sự hy sinh cho lý tưởng. Nhưng chiến tranh không
phải như vậy đâu, nó không đẹp và lãng mạn như vậy. Chiến tranh là một
việc khủng khiếp. Chính cô đã nói rằng chiến tranh là một cuộc tàn phá
gớm ghiếc và tàn bạo. Ngay việc nhìn tấm hình trên báo hay trên màn ảnh
cũng làm cô không chịu được nữa là! Cô phải ở lại xứ người: đi xem hát,
nghe nhạc hay đọc sách. Một thiếu nữ trẻ măng và đơn coi như cô có thể
làm gì khi về đến Trung-Hoa? Cô định làm gì khi từ bỏ chỗ sống để lao đầu
vào chỗ chết?
- Pao, anh không phải là một người bạn chân tình. Anh không nên khuyên
tôi như vậy. Tôi cũng là người Trung-Hoa như anh. Làm sao tôi có thể sống
vui sướng thảnh thơi ở xứ người trong khi đồng bào tôi đang lầm than đói
khổ?
Chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Trung-Hoa. Lẫn lộn giữa đám bộ hành,
nhưng hai chúng tôi tách riêng ra trong thế giới ngôn ngữ của chúng tôi.
- Cái gì đã khiến cô đổi ý như vậy? Pao kêu lên. Cô, người từng bai bải
chửi rủa chiến tranh, bây giờ bất ngờ cô lại muốn cầm súng và mộ lính đàn
bà để đánh giặc!
- Tôi không về nước để đánh nhau, tôi trả lời. Chưa chắc là tôi có giúp săn
sóc các thương binh. Cứu chữa các thương binh làm gì để sau đó lại đẩy họ
ra trước họng súng đại bác và mưa bom? Nếu quả nước Nhật mang đến cho