họ bị bắn hạ và tất cả hành khách đều bị giết. Dù vậy, tất cả các chỗ đều
được giữ từ hàng tháng trước.
Chúng tôi ngước nhìn dẫy đồi trầm lặng mà lòng những nghẹn ngào. Lâm
vào ngõ bí, chúng tôi đành quay sang cứu tinh đầu tiên và cuối cùng của
mọi người Trung-Hoa khi gặp khó khăn: đó là những bạn bè và thân quyến.
Lúc nào cũng có thể xuất hiện vài bạn bè, chú bác, anh em họ hay bạn của
bạn ta. Bạn của Pao rải rác khắp nước, có đến hàng trăm. Có lẽ tôi nên giải
thích cái quy chế bằng hữu lạ lùng trong quan niệm của chúng tôi.
Không có nơi nào trên thế giới mà những sợi dây liên hệ cá nhân lại quan
trọng và chặt chẽ như vậy. Điều đó có thể hay, có thể dở, nhưng đó là sự
thật: tình họ hàng và bằng hữu là hai nền móng của xã hội Trung-Hoa. Tình
bằng hữu nẩy nở trong bất cứ cuộc gặp gỡ vô tình nào và tình họ hàng liên
kết đến cả các bà con có họ xa nhất.
Tại Trung-Hoa, Đại-Gia-Đình là trọng tâm. Cả gia tộc sống quây quần một
chỗ, dưới các mái nhà lớp lớp kề nhau với những dẫy sân thông suốt, bao
quanh nhà từ đường, nơi thờ cúng bái vị ông bà. Ngay cả khi Đại-Gia-Định
bị phân tán vì chiến tranh, vì di cư, vì công việc, con trai, con gái, cho đến
đời thứ ba vẫn gọi nơi sinh quán tổ tiên là"nhà", có thể về đó và được đón
tiếp nồng hậu hơn bất cứ lúc nào. Đó là lý do mà nhà tôi thì ở Phí-Tiên, một
thị trấn của Tứ-Xuyên, mặc dù tôi ra đời tại Hồ-Nam, sống ở Bắc-Kinh và
nếu không có cuộc chiến tranh đuổi tôi đến tận miền Tây, tôi sẽ chẳng bao
giờ biết mặt Tứ-Xuyên.
Dưới mái nhà Đại-Gia-Định luôn luôn có những người được coi như khách.
Họ có thể là những bà con xa- thí dụ như một"ông chú", vốn là anh em họ
ba đời của bà vợ thứ hai của cha chồng hay vợ ta. Lại còn những anh chị
nuôi vốn là con của những gia đình khác đã quỳ lậy và cúng vái trước bàn
thờ tổ tiên gia đình mình, nhờ vào cuộc lễ đó mà họ được thu nhận vào Đại-
Gia-Đình. Từ đó trở đi, họ cũng có những đặc quyền như các con cháu
huyết hệ vậy. Cũng có thể đó chỉ là những người bạn hay người lạ nhưng