Lại trở về Dương-Châu. Đó là đêm thứ ba sau khi chúng tôi khởi hành từ
Cửu-Long. Đám binh sĩ lại từ các cánh đồng trở về đợi chuyến xe lửa của
họ. Sáng ra, lại những tiếng kèn đồng mệt mỏi đó. Những chuyến xe chở
dân tản cư về phía nam chạy qua Dương-Châu suốt ngày. Những toa xe chở
súc vật bây giờ đầy ních những người chạy trốn, nét mặt rã rời, gầy ốm,
bẩn thỉu, rách rưới, tay khư khư ôm chút gia sản nghèo nàn buộc chặt trong
một gói. Mệt mỏi mặt trơ không còn chút cảm xúc, trông họ giống như
những con vật đau khổ, câm lặng. Lời nói và cử động trở thành thật khó
khăn. Họ đã đến mức cuối cùng của xúc cảm, họ chỉ còn tập trung vào một
nỗ lực ghê gớm duy nhất là chịu đựng. Đó là hình ảnh thật, sống động
không thấy nói đến trong những tin tức mà chúng tôi nhận được khi còn ở
Anh quốc và Hồng-Kông. Chúng tôi không thốt nên lời, chỉ biết nắm chặt
tay nhìn đồng bào của chúng tôi lớp lớp trốn chạy khỏi làng mạc và ruộng
vườn. Môi Pao mím chặt. Mặt chàng hiện rõ nét hung hãn. Những nét nhăn
nhíu hằn quanh mắt chàng.
Hai ngày đêm chờ đợi ở Dương-Châu đối với chúng tôi như một cuộc đợi
chờ bất tận. Nhưng chúng tôi lại có riêng một toa hạng nhất với những
chiếc ghế nệm êm ái và tránh được cơn mưa bắt đầu đổ xuống từ trưa ngày
thứ hai. Chúng tôi thấy xấu hổ về sự nóng lòng của mình vì so với hoàn
cảnh của đám dân tản cư chất đống trong các toa súc vật và đám lính màn
trời chiếu đất, hoàn cảnh của chúng tôi thật quá mức tiện nghi...
Chúng tôi đã mất hai mươi giờ để đi hết quãng đường ngắn từ Dương-Châu
đến Hán-Khẩu. Xe lửa chạy chậm như đi bộ vì phải chạy trên các đường
phụ; đường chính dành cho các xe chở dân tị nạn đi về hướng Nam hay các
xe chở binh lính lên mạn Bắc. Lâu lâu lại còn phải ngưng vì báo động.
Nhưng vào buổi chiều nắng chang chang của ngày thứ năm kể từ khi rời
Cửu-Long, chúng tôi cũng đến được Vũ-Xương.
Nơi đây sông Hán-Giang gặp sông Dương-tử tách Vũ-Hán, trung tâm kỹ
nghệ của Trung-nguyên thành ba thành phố Vũ-Xương, Hán-Khẩu và Hán-