đi Hàng-Châu trong tỉnh Hồ-Nam và sau cùng sẽ băng đồng để đến một
ngôi làng có tên là Nam-Ninh. Pao nói cho tôi nghe về những điều đó bằng
một giọng nhát gừng trong khi tôi gấp quần áo cho chàng. Sau cơn xúc
động vì sự ngạc nhiên lúc đầu, sự việc xảy ra như thể chúng tôi đã biết và
đã chờ đợi nó từ lâu nay. Giọng bình thản không mảy may xúc động, chúng
tôi nói với nhau những chuyện thông thường.
"Tiệm giặt chưa mang áo sơ-mi đến trả. Em sẽ gửi cho anh sau. Cuộc hành
trình sẽ dài bao lâu? Khi đến Trường-Sa hãy viết thư để em yên chí là anh
đã đến nơi vô sự. Phải mất bao lâu mới hy vọng nhận được thư? Em sẽ viết
cho anh theo địa chỉ nào? Em sẽ rời đây vào ở trong cư xá y tá của bệnh
viện. Như thế tiện hơn."
Cả hai đứa, không ai nghĩ là tôi có thể đi cùng với Pao ngay đêm hôm đó.
Tôi còn công việc của tôi. Bệnh viện có quá nhiều việc trong khi nhân viên
lại quá thiếu. Các trận chiến vẫn tiếp diễn. Các thương binh được gửi từ các
chiến tuyến về đây suốt ngày đêm. Tôi vẫn còn cần thiết ở Hán-Khẩu. Tôi
từ Anh trở về với mục đích giúp ích. Tôi sẽ ở lại đây cho đến khi các đơn vị
chiến đấu thực sự rút lui và các công cuộc phòng thủ hoàn toàn bị bỏ hẳn.
Nhưng điều đó có vẻ xa xôi và mơ hồ quá.
Chúng tôi coi như nó chỉ kéo dài đôi ba tuần, vài tháng là cùng! Pao sẽ trở
lại đón tôi khi tình hình thực sự nguy kịch. Hay có thể- như chúng tôi vẫn
tin tưởng mặc tất cả những dấu hiệu báo động- cuộc trường kỳ kháng chiến
ở Vũ-Hán sẽ đạt thắng lợi và quân Nhật sẽ bị đẩy lui... Tôi sẽ đợi Pao ở
Hán-Khẩu. Chính phủ sẽ lại quay về đây.
Chúng tôi gọi xe kéo đến đại lộ Bund. Tôi đi theo tiễn chàng. Tại bến tầu,
dưới ánh sáng chói lòa của các ngọn đèn pha hay dưới ánh đèn mờ đục,
lung linh các ngọn đèn dầu, người ta đua chen nhau lên tầu trong cảnh hỗn
loạn. Những chiếc xe kéo hồng hộc chạy tới; những chiếc xe hơi bấm còi
inh ỏi cắt ngang đám đông; các sỹ quan dưới lớp quân phục, các viên chức
mặc âu phục hay chiếc áo dài cổ truyền đang tấp nập lo đưa gia đình hay