– Xa lắm. Đi khỏi xứ sở, khỏi đất nước này… Nhưng mà Hằng không
cần biết rõ, vô ích.
Nói đến đây. Anh đưa mắt nhìn khắp gian phòng, rồi đặt mũ xuống ghế,
vịn hai tay vào thành ghế như nhọc mệt lắm, Hằng tần ngần hỏi:
– Thế anh đi xa thế để làm những việc gì?
– À, tôi làm công cho một thương đoàn của người Hoa Kiều một việc khá
to tát. Nhưng mà việc can hệ chỉ là xa cái đất này, để tìm sự quên.
– Thật đấy, anh cũng nên đi xa…
– Có phải thế không? Đi là phải lắm chứ!
– Vì đất Hà thành chỉ làm hại anh mà thôi. Trông anh bây giờ thảm hại
quá. Tôi cũng không lấy gì làm lạ, vì nhiều người vẫn nói đến cái đời vô trật
tự của anh trong mấy tháng nay… Họ nói anh ngày nay đã ngã hẳn xuống
một đống bùn… tửu, sắc, yên, đổ, thôi thì đủ cả! Phải không? Trời ơi! Mặt
mũi anh tiều tụy đến thế kia kìa! Việt Anh! Đêm hôm qua anh ngủ ở tiệm
thuốc phiện nào? Tôi thật không ngờ một người có học thức như anh, có chí
khí như anh, mà bây giờ mất nhân cách đến như thế?
Việt Anh so vai đáp bằng giọng oán hận:
– Thôi đi, Hằng không cần sỉ nhục tôi đến như thế nữa. Tôi tưởng tôi đến
thế này, không có gì là khó hiểu. Nếu tôi ngày nay hóa ra bê tha, đê tiện, là
vì tôi giao thiệp với cái đám xấu xa… Sự đau khổ, sự túng kiết, cái nghèo
đói… Nếu tôi đến nỗi mất nhân cách như Hằng vừa nói là bởi vì tôi… tôi đã
yêu một người đàn bà.
Nói xong, Anh ngồi bịch xuống ghế, đăm đăm nhìn lửa đỏ trong lò sưởi.
Hằng cũng oán hận mà rằng:
– Người đàn bà ấy cũng đã yêu anh… Nếu anh không biết cách làm cho
người đàn bà ấy về tay anh thì là tại ai, tưởng anh đã biết. Mà nếu không lấy
được người đàn bà ấy nữa thì anh cũng phải làm thế nào cho xứng đáng lòng
yêu của người ta thì hơn… Ngày nay, anh đã lăn lóc khắp mọi chỗ của bọn
đãng tử! Việt Anh! Như thế là xứng lòng yêu của Tiết Hằng đấy à?
Việt Anh đứng lên, lại gần nàng, khẽ gọi: