– Bổn phận của người ta là: yêu! Liệu hồn! Rồi thì mình sẽ sống một
cuộc đời vô vị, rỗng tuếch! Tôi đã nói là tôi đi xa… sang Tân Gia Ba làm
ăn… Mình có muốn cùng đi không? Hạnh phúc ở bờ biển bên kia… đã như
giơ tay sẵn đón chúng ta… Việt Anh và Tiết Hằng ở nơi đất khách quê
người thì sẽ cùng sung sướng! Hằng nghĩ thế nào? Hở?
Tiết Hằng bưng mắt khóc mà rằng:
– Mình làm tôi khốn khổ quá đi mất. Nếu mình muốn hy sinh tính mệnh
vì mình thì tôi cũng hy sinh ngay, vì tôi thấy tôi có trách nhiệm lớn trong cái
đau khổ của mình. Nhưng mà mình lại muốn bắt tôi phải hèn hạ, phải phản
trắc!
– Tôi chỉ muốn bắt mình có can đảm!
– Không, chính thế là hèn hạ đó, mình ạ. Mình muốn gì? Muốn tôi chết
ư? Không! Mình lại hứa hạnh phúc cho tôi! Trời ơi, tôi còn biết nghĩ ra làm
sao nữa!
Việt Anh đi đi lại lại, nghiêm giọng nói:
– Không, tôi không bắt ép Hằng. Tôi để cho Hằng có toàn quyền quyết
định cuộc đời của Hằng, cuộc đời của tôi. Thật đấy, chỉ một mình Hằng
gánh lấy cái trách nhiệm ấy. Mà tôi không muốn Hằng đi theo tôi vì thương
hại tôi đâu. Không! Nếu Hằng không đi, thì Hằng không phải lo ngại gì cả,
không phải hối hận gì cả… Tôi đi ngày mai, hoặc ngày kia, trong lòng chứa
chan hy vọng sẽ quên được, sẽ khỏi đau khổ, vì người yêu quý nay đã tha
thứ cho tôi rồi. Đấy Hằng xem, tôi có cố ý làm cho ai phải thương xót tôi
đâu!… Nếu tôi ra đi một thân một mình, đi biệt tăm biệt tích, thì đó là do ý
muốn của Hằng… Thế là xong chuyện, thế là hay lắm… Vì Hằng sẽ không
bao giờ, không bao giờ còn nghe thấy ai nói đến Việt Anh này nữa? Thật
đấy, không bao giờ Hằng còn phải nghe chuyện đến tôi nữa!
Hằng hãi hùng vội hỏi:
– Mình muốn nói gì thế?
Việt Anh cười cho nàng yên tâm và thêm: