– Sao lại có thể như thế được?
– Thế mới kỳ! Mình cứ hỏi lại Madame Năm mà xem. Điều đình mãi, hết
ngọt đến sẵng lão ta mới chịu ký đấy.
Bà Năm đang nửa ngồi nửa nằm trên ghế trường, bỗng ngồi phắt lên, hấp
tấp:
– Lão ta để thế còn được ba nghìn, chứ nếu cưỡng bọn này mà đi kiện thì
lão phải sạt nghiệp! Ai bảo địa phận của mình không đào lại đào lấn sang
địa phận của mỏ người ta?
Đào Quân cắt nghĩa kỹ hơn:
– Không phải thằng cha ấy dại thế đâu… Nó đã tay trắng làm nên thì nó
còn lép gì? Ấy là người làm của nó hại nó đấy. Mà vì tôi cũng khôn, nó mới
mắc bẫy. Nguyên hai mỏ sát gần nhau. Mạch than ăn cả hai mỏ. Cả hai cùng
làm hầm về một phía, vừa lúc bên ấy có người báo tôi rõ là họ đào lấn sang
đây mà không biết thì tức khắc tôi bảo phu bỏ dở hầm đó, quay về đào phía
khác cho khỏi gặp nhau. Đến khi bên kia ngập mất hơn ba mươi thước, tôi
mới đến xin… “thưa chuyện” với ông chủ. Bây giờ mà không bằng lòng để
lại cho tôi giá rẻ thì… chỉ còn việc ra Toà!
Tiết Hằng chép miệng than thay người gặp rủi kia:
– Sao có người đã làm việc mà lại không cẩn thận để đến nỗi thế!
Đắc chí, Quân tu một hơi dài rượu rồi xoa tay nói:
– Một ngày hôm nay, tôi làm được một việc lãi năm nghìn…! Bà Năm ạ,
khai sáu cái cửa lò cũng xấp xỉ số vốn ấy đấy. Bây giờ mình chỉ còn việc
đào than mà bán thôi. Một ngày… năm nghìn!
Việt Anh đùa nhả bạn bằng tiếng Pháp:
– Một việc ăn không!
Đào Quân cãi lại:
– Thì đã đành! Nhưng mà đời nó thế, làm thế nào được! Ai vạ gì lại như
anh, học hành như thế mà… bỏ phí một đời như thế. Nghề báo nuôi nổi sao
được người?
Anh so vai không đáp lời. Sợ bạn giận, Quân vội nói với vợ: