nỗi thống khổ của nàng thật chẳng biết lấy gì đem so. Cái đau tinh thần cũng
khiến Hằng phải tê tái trong lòng như cái đau xác thịt.
– Thưa bà, có ông Việt Anh chờ bên ngoài…
– Cứ cho tôi tiếp.
Cô khán hộ trẻ quay ra. Một lát sau, Việt Anh dè dặt tiếng giày bước vào.
Chàng hãi hùng hỏi:
– Chết! Sao trông mình khác hẳn đi thế?
Vẫn nằm, chỉ ra hiệu cho bạn ngồi. Hằng khẽ nói:
– Ồ! Cái thời giờ tôi phải đợi mình mới dài làm sao. Mỗi phút là một thế
kỷ, bây giờ tôi thấy rõ nghĩa cái câu văn sáo của các nhà tiểu thuyết. Vậy mà
trong bao nhiêu thế kỷ tôi đã phải áy náy về mình. Tôi đương lo cho cuộc
sum họp của đôi ta. Tôi ước sao điều mình đã muốn giấu tôi mà mình sắp
nói với tôi đây không đến nỗi là sự ngăn rào cách bức… Trời ơi! Tôi đã
khốn khổ lắm rồi! Chắc mình cũng thừa đoán nổi cái nỗi băn khoăn của một
người bị tử hình chờ đợi tin về lá đơn xin ân giảm, có phải không? Xin coi
chừng! Tôi cũng như người xấu số ấy. Cái phút này là cái phút ghê gớm…
Lời cắt nghĩa của mình sẽ đáng sợ cho tôi như lời tuyên án của một vị quan
tòa. Xin đọc bản án đó cho nghe!
Việt Anh nghĩ ngợi hồi lâu rồi cầm hai tay Hằng kể lể:
– Phải lắm. Nếu tôi không nói thì sau này, sự hối hận sẽ vỡ lở càng to.
Đây này… Việt Anh vốn nghèo. Song những sự khốn nạn của đời lại đi bắt
Việt Anh say mê một người đàn bà ấy làm vợ. Do đó, Việt Anh, cái thằng
vẫn chửi bới sự giàu có xưa nay, bây giờ bị coi là một thằng đồ tồi, một
thằng lấy vợ thừa, một thằng híp mắt về tiền, một thằng… đào mỏ! Mấy tờ
báo khác đảng phái hiện giờ được thể chửi bới hoài Việt Anh! Tiết Hằng có
sẵn lòng làm vợ một người như Việt Anh thì phải đồng thời vui lòng nhận
những lời chỉ trích đó. Mà nhận một cách vui vẻ, có thể hy sinh danh dự vì
tình. Không bao giờ được nghi ngờ cái lòng yêu chân thật của Việt Anh.
Không bao giờ quan tâm đến dư luận. Rồi đây Anh sẽ là cái bia chịu cho bao
mũi tên thù. Rồi còn nhiều sự đặt điều nói xấu và vu oan! Liệu rồi Hằng có
thể tin mãi mãi được tôi không?