sướng, cứ phải khao khát ái tình! Thật vậy, ái tình là một việc, mà hôn sự là
một việc khác.
NGÀY 4 THÁNG HAI.
Hôm nay, chúng tôi đã cãi nhau. Lần đầu tôi chạm đến lòng tự ái của
Hằng và lần đầu, Hằng đã gắt tôi, giận tôi đã đả động đến Đào Quân, và
Việt Anh.
Điều nên nhớ: có yêu thì mới giận. Tôi cũng sung sướng rồi.
NGÀY 5.
Dù sao đi nữa, từ khi tôi kết bạn với Tiết Hằng rồi thì cuộc đời tôi cũng
thấy đỡ quạnh hiu. Dễ thường tôi không nên còn phàn nàn gì mới phải. Tôi
đã lấy được một người đàn bà mà tôi kính mến và quả thật cũng là đáng
kính mến hơn nhất trong tất cả các người đàn bà. Tôi cũng nên nhũn nhặn,
đừng hy vọng rằng người đàn bà ấy đem tấm chăn ái tình ra trao tặng cho
tôi. Nếu ai hỏi vợ tôi không yêu tôi chăng, thì tôi không biết nên đáp thế nào
cả. Bảo là được yêu cũng chẳng phải, mà bảo là bị ghét cũng không xuôi
tai. Phải là chồng Tiết Hằng mới thấy như thế. Hình như nàng cũng đã cố
sức tìm mọi cách cho tôi vui lòng. Chính ra, Hằng là đáng phàn nàn hơn tôi,
vậy mà hình như nàng lại muốn phàn nàn cho tôi. Nàng đã hết sức giấu kín
bao nhiêu nỗi khổ tâm của nàng. Tôi không thể nào hiểu rằng vì những lẽ gì
mà nàng vẫn âm thầm đau khổ. Như thế đã đủ khốn nạn cho tôi chưa!
NGÀY 8.
Có lẽ tôi sắp hiểu rõ sự thực. Vì các cuộc sống chung với Hằng mấy
tháng nay đã khiến tôi phải nghĩ lại cái ngày mà Hằng bảo muốn lấy tôi. Tôi
ngu dại quá, vì mãi đến bây giờ mới nghĩ đến cử chỉ của Hằng hồi ấy.
Chao ôi! Buổi tối hôm ấy, tại bệnh viện St. Paul, có ai trông thấy Hằng
run sợ nép vào ngực tôi mà thở hồng hộc, mà khóc rưng rức, thì mới rõ một
người đàn bà trong lúc khốn khổ, không tự chủ, tự mình cũng không dám tin
mình. Nàng đã hấp tấp nói: “Anh Đức, anh lấy tôi đi!” vội vàng mà ai oán
cũng như nàng kêu: “Ai cứu tôi với!” vậy. Lúc đó, tôi choáng váng, tê mê cả
người, cảm động hết sức, mặc dầu chưa rõ căn nguyên. Tôi đã tìm mọi cách
để hỏi han nàng, dỗ dành cho nàng nói để biết sự thực… Thì, Hằng đã nhìn