Bố của Ôn Tịnh và bố tôi vốn là đồng nghiệp trong một nhà máy quốc
doanh. Chức vụ của bố tôi cao hơn bố cô ấy. Sau này tiến hành cải cách mở
cửa, tình hình trong nhà máy cũng ngày càng thay đổi. Lúc đó việc một cá
nhân đứng ra nhận thầu thường thấy ở nhiều công ty, nếu xét về nhân cách
và thực lực thì bố tôi hoàn toàn có thể làm việc này, chỉ có điều bố và mẹ
tôi vốn là người làm việc gì cũng cẩn trọng, dè dặt, không dám mạo hiểm.
Cuối cùng, nhà máy được bố của Ôn Tịnh mua lại, trở thành doanh nghiệp
tư nhân, ngày càng được mở rộng. Đến hôm nay, bố cô ấy đã trở thành một
doanh nhân thành đạt.
Mấy năm sau, bố tôi còn phải đối mặt với vấn đề cắt giảm biên chế, từ đó
ông sống ẩn mình ở quê, đó cũng là lý do tại sao tính khí của ông ngày càng
tệ.
Mẹ tôi cũng canh cánh trong lòng. Con người vốn là như vậy, nếu không
có cơ hội thì sẽ cảm thấy bất an, nhưng khi cơ hội rành rành ngay trước mắt
thì lại để cho nó qua đi. Đó mới là điều khiến chúng ta phải ân hận cả cuộc
đời.
Nhưng những chuyện này chẳng làm ảnh hưởng tới tình bạn giữa tôi và
Ôn Tịnh. Ôn Tịnh nhỏ hơn tôi hai tuổi, chúng tôi chơi cùng nhau từ thời tóc
còn để chỏm. Mặc dù sau này cô ấy và tôi không thường xuyên gặp gỡ,
thậm chí cô ấy còn ra nước ngoài nhưng chúng tôi chưa bao giờ cắt đứt liên
lạc. Từ thư viết tay đến thư điện tử, sau bao lần thay đổi, có lẽ chúng tôi đã
có thể xuất bản cả một cuốn Ulysses rồi.
“Lần này về, nó còn đi nữa không?” Mẹ tôi hỏi. Thực ra bà cũng rất quý
Ôn Tịnh, một cô gái ngoan ngoãn, xinh xắn, thậm chí bà còn coi Ôn Tịnh
như con gái của mình.
“Con không biết. Con bé nói lần này về là quay về nguồn cội. Đấy mẹ
xem, thanh niên thế hệ chúng con cũng rất yêu nước đấy chứ!” Tôi vừa nuốt
ngụm canh vừa nói.