đứa trẻ trong cơn ho sù sụ như chó sủa. “Viêm thanh quản”, mẹ tôi bảo.
“Con từng bị lúc một tuổi.”
Sau khoảng hai mươi phút, bà Dunready xuất hiện qua các lớp cửa
hai cánh, trao đổi với người phụ nữ ở quầy tiếp tân, sau đó đi bộ qua
chỗ chúng tôi. Bà không mỉm cười hay chào gì cả, và tôi không biết
liệu nó có phải là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình
huống hay chỉ đơn giản là thái độ của bà khi làm việc. “Thằng bé muốn
gặp cháu nếu cháu muốn vào,” bà nói với tôi.
Tôi đứng lên, nán lại vài giây để chờ bà dẫn đường.
“Cháu cứ vào đi,” bà bảo. “Ta sẽ chờ ngoài này. Không có đủ chỗ
cho hai người thăm cùng lúc.”
Mẹ ném cho tôi một cái nhìn đầy ẩn ý. “Đừng ở lâu quá con nhé,”
bà dặn.
Tôi cố quày quả bước đi về hướng những chiếc cửa hai cánh mà
bà Dunready vừa đi qua, nhưng khi tôi đến gần chúng, tôi tự hỏi liệu
mẹ có sai hoàn toàn hay không. Có thể tôi không đủ lớn để tự đi vào
phòng cấp cứu, để thăm bạn trai tôi đang nằm ở đây, để kết nối với bất
kì thứ gì đủ chân thực và người lớn như chấn thương nghiêm trọng.
Thậm chí tôi còn chưa bao giờ bị gãy xương nữa cơ. Tôi chưa từng cắt
amidan. Tôi không thuộc về nơi này, và Lucas cũng vậy. Có lẽ nếu tôi ở
nhà, tất cả những cảm giác này sẽ biến mất.
Sau đó, tôi bắt gặp cái nhìn thoáng qua của anh trên giường. Cánh
tay anh đang được quấn quanh bởi một máy đo huyết áp, và một thiết
bị mà bố tôi gọi là ống thông mũi để đưa khí oxy vào mũi. Giường
không có chăn, ngoại trừ một tấm phủ màu trắng được kéo căng qua
tấm nệm. Tôi cảm thấy yên tâm khi thấy anh đang mặc chiếc quần tây
kaki và áo sơ mi mà anh đã mặc ở trường.
Anh trông chẳng thay đổi gì cả, vẫn là chính mình - tóc nâu vàng,
đôi mắt xanh sắc sảo và vài miếng băng đỏ dán trên hai má. Làn da
nhợt nhạt, nhưng anh vẫn là Lucas. Một Lucas đang sống và hít thở.