Bởi vì lúc cô được ba tuổi, cô lại bị đưa trở lại giáo đường. Nghe bà
Liễu nói, người đàn ông của gia đình nhận nuôi cô trong lúc làm việc đã bị
điện giật chết, còn người phụ nữ phải về nhà mẹ đẻ để tiện bề tái giá, vì thế
làm sao có thể để một đứa bé như cô làm liên lụy, huống hồ cô lại chỉ là
đứa con nuôi. Bà ấy đã dẫn cô đến cái giáo đường này, mong rằng có ai đó
muốn nhận nuôi cô. Kết quả là từ đó Giang Nguyệt ở với bà Liễu trông coi
giáo đường này.
Bà Liễu được gả cho một người nhà họ Liễu. Hồi đầu bà cùng với
chồng ở trong căn phòng sát cạnh giáo đường, con gái của họ lớn lên rồi đi
lấy chồng, dọn ra ở riêng. Về sau chồng bà Liễu qua đời, bà ở lại một mình,
vẫn phụ trách việc trông nom và quét dọn giáo đường. Ở một mình không
khỏi cô đơn, thế nên sự xuất hiện của Giang Nguyệt rất đúng lúc, hơn nữa
lúc ấy Giang Nguyệt đã ba tuổi, nuôi dưỡng cũng không mấy phiền phức
nên bà đã nhận nuôi cô.
Một người phụ nữ lớn tuổi và một đứa bé còn nhỏ dại, mấy năm ấy họ
đã sống như thế nào? Giang Nguyệt chỉ có thể nhớ được một vài khoảng kí
ức nhỏ, giống như đang lật lại những tấm ảnh cũ kĩ, vẫn chỉ là những cảnh
tượng cũ đã biết. Đương nhiên Giang Nguyệt chẳng có lấy một tấm ảnh lúc
còn nhỏ, bởi vì chẳng ai chụp ảnh cho cô cả.
Bà Liễu gọi cô là Mala.
Lũ trẻ trên phố đều cười nhạo cô, đặt biệt danh cho cô là "Mala phân
ngựa". Giang Nguyệt dáng người bé nhỏ, có đánh cũng không đánh lại, có
chửi cũng không chửi lại, mỗi lúc như vậy, mặt mũi đều đỏ bừng, vừa tức
vừa buồn, trong lòng thầm trách bà Liễu đã đặt cho mình cái tên khó nghe
như thế.
Bà Liễu tết hai bím tóc dài thật dài, cuộn tròn trên đỉnh đầu, những
người phụ nữ theo Thiên Chúa giáo trong huyện gần như đều để kiểu tóc
này. Giang Nguyệt cũng để tóc dài, tết thành hai bím thả xuống trước ngực.