Cô còn nhớ những buổi trưa mùa đông bà Liễu thường thả tóc của cô ra để
bắt chấy rồi sau đó gội đầu cho cô. Cô đứng cúi đầu trước chậu nước rất
mệt nhưng vẫn phải cố chịu đựng. Có lần cô đứng không vững, người lảo
đảo, bất cẩn làm bắn nước lên người bà Liễu là ngay lập tức bị ăn tét vào
cánh tay. Bà Liễu tính tình nóng nảy, lúc nóng giận thường chửi mắng cô,
còn đuổi cô ra ngủ ngoài đường.
Bà Liễu biết may quần áo, thường nhận may quần áo kiếm tiền.
Những miếng vài thừa bà liền ghép lại may cho cô ít quần áo. Buổi tối
trước khi tắt đèn đi ngủ, bà Liễu thường quỳ trước giường cầu khấn, cô
cũng ngoan ngoãn quỳ theo.
Cô không được đi học, không được đi mẫu giáo như những đứa trẻ
cùng tuổi khác mà ở nhà chờ đến tuổi đi học tiểu học. Giáo hội tổ chức một
lớp nhỏ, cứ thứ Bẩy hàng tuần lại kể một vài câu chuyện thánh kinh cho lũ
trẻ con cái người trong hội nghe. Lần nào cô cũng đi nghe. Cô nhìn những
con chữ trên hình vẽ, hỏi cô giáo đang dạy họ chữ này đọc là gì, có nghĩa
gì, làm sao để phân biệt một số chữ. Điều khiến cô vui mừng nhất là cô
giáo đó biết chơi đàn phong cầm. Lúc giáo đường không có người, Giang
Nguyệt thường ở lại đây sờ mó cây phong cầm, nhìn ngắm những bản nhạc
phổ, Giang Nguyệt bé nhỏ luôn ôm ấp một mong ước nhỏ, nếu có thể chơi
giỏi đàn phong cầm, sau này cô có thể đàn phong cầm khi bọn họ hát
xướng ca, như vậy sẽ khỏi phải lo bị họ đuổi đi.
Ngày qua ngày, đứa bé bị bỏ rơi ngày nào là cô đã được bảy tuổi.
Khi Giang Nguyệt được khoảng bảy tuổi rưỡi thì có hai chuyện xảy ra,
chẳng hề có điềm báo nào, nhưng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.
Bà Liễu qua đời.
Giang Quân xuất hiện.
Người này từ đâu "chui" ra vậy? Giang Nguyệt không hề hay biết.