Mùa hè năm ấy, huyện Phượng Hoàng có lốc xoáy và lũ lụt qua đi.
Lốc xoáy và lũ lụt qua đi, bà Liễu liền tháo các tấm rèm của sổ giáo đường
xuống giặt. Nóc giáo đường vừa cao vừa sâu, cánh cửa sổ lại dựng đứng,
rèm cửa từ trên cao rủ xuống. Bà Liễu bắc thang dựa vào tường, cẩn thận
leo lên. Đáng tiếc là có cẩn thận mấy đi chăng nữa vẫn bị hụt chân và ngã
xuống. Người bị cao huyết áp, ngã một cú như thế, nằm một đêm rồi ra đi.
Con gái bà Liễu cùng những người trong giáo hội đến giúp lo liệu hậu
sự cho bà. Lễ tang được tiến hành một cách có trình tự dưới sự giúp đỡ của
mọi người. Ngày đi chôn, Giang Nguyệt dậy rất sớm, nhưng người lớn đều
bảo đường lên nghĩa trang rất xa xôi, bảo cô đừng đi cho đỡ rắc rối, thế nên
Giang Nguyệt phải ở lại.
Mặt trời lên cao dần, không khí nóng nực đến khó chịu. Cô trốn trong
giáo đường, thứ ánh sáng nhập nhoạng lúc sáng lúc tối khiến cô sợ hãi và
lạnh lẽo. Cô nghe thấy tiếng ve râm ran ngoài cửa sổ, nhưng trong phòng
thì tĩnh mịch như tờ. Cô đặt tay lên những phím đàn, không dám ấn dù chỉ
một phím. Chẳng biết bao lâu sau, bên ngoài vang lên tiếng bước chân,
tiếng nói chuyện huyên náo. Cô thầm nhủ, chắc là họ đã về.
Cô cúi đầu, mặt dán vào nắp cây đàn lạnh ngắt. Liệu họ có phát hiện
ra không thấy cô đâu không? Liệu họ có đi tìm cô không? Có ai nhớ đến cô
không? Cứ nghĩ như vậy khiến cô bật khóc. Cô không đau lòng, chỉ cảm
thấy sợ hãi.
Đột nhiên "két" một tiếng, cánh cửa giáo đường mở ra. Cô giật mình.
Vội vàng ngẩng đầu. Bước vào là một người đàn ông, cô chưa gặp bao giờ.
Người ấy đi xuyên qua hàng ghế dài, đi thẳng lên bục, những ngón tay
lướt qua những lưng ghế nâu trầm. Khi còn cách bục giảng khoảng bón
hàng ghế, người ấy nhìn thấy cô. Một con nhóc bé xíu, đôi mắt mở to,
hoang mang và khiếp sợ nhìn anh. Có thể vì không ngờ trong này có người,